Tại Zimbabwe, bên cạnh lạm phát trầm trọng, tiền USD thường được nhập khẩu với chi phí rất cao khiến các ngân hàng không có đủ lượng tiền mặt để cung cấp ra thị trường. Vì vậy người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tận dụng cả những đồng tiền đã cũ nát. Cũng từ đó, “vá tiền” đã trở thành một ngành nghề không chính thức nhưng lại vô cùng quan trọng ở quốc gia phía nam châu Phi này.
Đồng USD đã thống trị các giao dịch ở Zimbabwe kể từ khi tình trạng siêu lạm phát của nước vượt mốc 5 tỷ phần trăm, buộc chính phủ phải từ bỏ đồng nội tệ vào năm 2009.
Ông John Robertson, nhà kinh tế làm việc tại Harare cho biết, nền kinh tế Zimbabwe dù từng có thời kỳ thịnh vượng nhất nhì châu Phi nhưng nay lại trở nên quá yếu ớt. Những khó khăn chủ yếu mà nước này gặp phải bao gồm vấn đề phi công nghiệp hóa, đầu tư, xuất khẩu thấp và nợ cao đến mức không tạo ra đủ dòng tiền mới cần thiết cho nền kinh tế địa phương.
Vào năm 2019, chính phủ đã giới thiệu lại một loại tiền tệ mới và cấm ngoại tệ đối với các giao dịch địa phương. Mặc dù vậy, nhưng thị trường chợ đen vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong khi đồng nội tệ nhanh chóng mất giá. Vào tháng 3/2020, chính phủ đã nhượng bộ và bỏ lệnh cấm đối với đồng USD.
Nhưng đến nay, việc thiếu hụt USD mệnh giá nhỏ đang trở thành cơn ác mộng đối với người tiêu dùng. Rất nhiều nhà hàng, cửa hàng bán lẻ ở đây không chấp nhận tiền rách và bản thân họ cũng chẳng có đủ tiền lẻ để trả lại cho khách hàng. Khi đó, những hộ kinh doanh này thường sẽ bù lại bằng phiếu mua hàng cho những lần tiếp theo. “Thật là bất tiện. Tôi nào có thể đi xe buýt vào thị trấn bằng phiếu mua hàng được cơ chứ. Đôi khi họ hết những phiếu mua hàng này nên tôi buộc phải lấy kẹo bánh hoặc đồ ăn khác cho tròn tiền,” anh Innocent Chirume, cư dân tại Harare phàn nàn.
Chính từ các khó khăn trên, mà những người như anh Albert Marombe (38 tuổi) đang tìm cách để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Anh Albert thu mua những đồng USD cũ với giá từ 40 đến 60 cent/tờ sau đó sửa lại và bán cho các nhà giao dịch chợ đen với mức giá bằng khoảng 80% giá trị thực của tờ tiền.
“Tôi không quan tâm nó rách thế nào. Miễn là số sê-ri còn trên cả hai mặt thì tôi sẽ sửa lại cho bằng được,” anh Albert chia sẻ. “Một khách hàng đã từng đến tôi với 10 tờ 100 USD bị chuột đã gặm nát. Đó là một ngày thắng lớn của tôi,” anh Albert vui vẻ kể lại.
Ở các thành phố trên khắp đất nước, những người buôn bán tiền tệ xếp hàng dài trên đường phố với các tập tiền địa phương và tiền USD. Thậm chí, những tờ 1 USD ở tình trạng tốt sẽ được trả thêm 10%.
Thực trạng này tuy là bất hợp pháp nhưng người dân không có nhiều lựa chọn khác. Các ngân hàng ở Zimbabwe chấp nhận đổi tiền cũ để người dân mang tiền đến, nhưng vì không còn niềm tin vào hệ thống tài chính quốc gia sau khi mất sạch tiền tiết kiệm vì siêu lạm phát mà người dân chọn cách giao dịch với các đại lý tiền trên thị trường chợ đen.