Argetina và Brazil thảo luận về một đồng tiền chung

Hai nền kinh tế lớn nhất ở Nam Mỹ đang bắt đầu đàm phán để tạo ra một đồng tiền chung.
Nam Mỹ
Tổng thống Brazil Luiz Inacio “Lula” da Silva và Tổng thống Argentina Alberto Fernández.

Trong một bài viết chung được đăng trên tờ Perfil Sunday của Argentina, Tổng thống Brazil Luiz Inacio “Lula” da Silva và Tổng thống Argentina Alberto Fernández cho biết họ muốn thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng hơn giữa hai nước láng giềng, trong đó "tiếp tục thảo luận về một loại tiền tệ chung của Nam Mỹ có thể được sử dụng cho các dòng tài chính và thương mại, giảm chi phí vận hành và khả năng dễ bị tổn thương từ tác động bên ngoài”. 

Thông báo này được đưa ra khi TT Luiz Inacio “Lula” da Silva tới thăm Argentina trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào đầu tháng 1. Tại cuộc họp báo ở Buenos Aires, ông cho biết việc thiết lập một đồng tiền chung cho thương mại sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, dẫn chứng việc đồng USD tăng mạnh vào năm ngoái đã gây khó khăn cho các nước trên thế giới.

Tuy nhiên theo Reuters, Bộ trưởng tài chính Brazil, Fernando Haddad, đã hạ thấp phạm vi của ý tưởng này trong các cuộc nói chuyện với các phóng viên. Ông nhấn mạnh rằng việc Argentina thiếu USD đang đè nặng lên thương mại giữa hai nước và các nhà lãnh đạo chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp khả thi, nhưng điều đó không có nghĩa là đồng real của Brazil đang trên đà biến mất.

Một ý tưởng xa vời

Argentina và Brazil đều thuộc khối thương mại Mercosur, bao gồm cả Paraguay và Uruguay. Chủ đề tạo ra một loại tiền tệ chung đã được nhắc tới nhiều lần kể từ khi khối thành lập vào năm 1991.

Theo ông Win Thin, người đứng đầu chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman, cho biết các cuộc trò chuyện về tiền tệ chung hiện đang nổi lên trở lại vì TT Brazil Luiz Inacio “Lula” da Silva có liên kết chính trị với TT Argentina Alberto Fernández nhiều hơn so với người tiền nhiệm Jair Bolsonaro.

“Tôi thực sự không nghĩ nó [đàm phán về loại tiền tệ chung] sẽ đi đến đâu,” ông Win Thin nói. “Đối với Brazil và Argentina, đây vẫn còn là một ý tưởng xa vời.” 

Các nhà đầu tư cũng nghi ngờ rằng nỗ lực tạo ra một đồng tiền chung trong khu vực sẽ không đạt được nhiều sức hút.

Hasnain Malik, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Tellimer, cho biết trong một lưu ý nghiên cứu rằng sự khác biệt về hoàn cảnh kinh tế sẽ khiến hai nước rất khó đi đến cùng quan điểm. “Brazil và Argentina còn lâu mới đạt được sự hội tụ trong chính sách kinh tế và hiệu suất cần thiết để khởi động một liên minh tiền tệ”. 

Brazil - với việc lãi suất tăng mạnh - đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Ngân hàng Thế giới ước tính nền kinh tế Brazil sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% vào năm 2023, giảm từ mức tăng trưởng 3% vào năm 2022.

Nhưng vị thế kinh tế của Brazil lại vững chắc hơn nhiều so với Argentina trong hai thập kỷ qua bởi uy tín của ngân hàng trung ương và các tổ chức ở Brazil mạnh hơn nhiều.

Argentina, quốc gia đã vỡ nợ lần thứ chín vào năm 2020, tiếp tục bị vùi dập bởi lạm phát. Giá tiêu dùng trong nước đã tăng 95% trong 12 tháng tính đến tháng 12/2022. Những nỗ lực để kiểm soát tình hình đã buộc nước này phải rút bớt dự trữ ngoại hối và hạn chế đầu tư kinh doanh.

Các thị trường mới nổi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đồng USD tăng mạnh, gây ra những lời phàn nàn về sự thống trị của nó trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng bạc xanh tăng giá gần 8% so với rổ tiền tệ chính vào năm 2022, khiến việc nhập khẩu thực phẩm và năng lượng trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời làm tăng chi phí trả nợ bằng USD. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…