Những chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã có tác động lớn đến thị trường vàng. Song, có thực sự đạt được mục tiêu bình ổn thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hay không còn là một chặng đường dài.
GIÁ VÀNG MIẾNG LIÊN TỤC NHẢY MÚA
Nhìn lại thời điểm 1 tháng trước, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu lần đầu tiên vào ngày 23/4, giá vàng miếng SJC bắt đầu chuỗi ngày tăng liên tục. Chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước kéo giãn không ngừng, từ con số 11 triệu đồng hiện lên tới khoảng 18 triệu đồng.
Vào đầu tháng 5, từ mốc hơn 85 triệu đồng/lượng, chỉ sau vài ngày, giá vàng SJC đã liên tục xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Mức đỉnh cao nhất từng xác lập là 92,4 triệu đồng/lượng trong ngày 10/5. Thậm chí, có ngày, giá vàng SJC tăng tổng cộng tới gần 3 triệu đồng/lượng. Sau lập đỉnh, giá vàng SJC liên tục dao động ở ngưỡng 90-92 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trước tốc độ tăng nhanh của giá vàng SJC, nhiều chuyên gia kinh tế khi ấy từng dự báo, giá vàng SJC có thể chạm mốc 100 triệu đồng/lượng. Đồng thời, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới sẽ nới rộng đến 20 triệu đồng/lượng
Sau các phiên đấu thầu vàng miếng không thành công, Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng can thiệp bằng cách bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Theo đó, giá vàng miếng SJC chỉ trong 3 ngày, từ 3/6 đến 6/6, giảm liên tục mỗi ngày 1 triệu đồng/lượng và đi ngang giá đến hôm nay ở mức 76,9 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng miếng SJC thiết lập đỉnh vào ngày 10/5 với 92,4 triệu đồng/lượng, đến nay giá vàng đã giảm hơn 15 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới ở mức 1.295 USD/ounce (tương đương gần 72 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí), giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn thế giới khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng. Lúc này, nhiều dự báo đưa ra rằng, giá vàng SJC sẽ còn giảm trước diễn biến giá vàng trên thế giới đang lao dốc mạnh còn trong nước, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách bình ổn giá vàng.
Chưa cần biết lượng vàng sẽ được cung ứng theo cơ chế này có thể lên tới bao nhiêu, nhưng rõ ràng giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tức thời khi tác động mạnh đến tâm lý nhiều nhà đầu tư và ngay lập tức kéo giá vàng giảm sâu chỉ trong thời gian ngắn. Dẫu vậy nhiều chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu, chứ không giải quyết được toàn diện vấn đề của thị trường.
Không thể phủ nhận giá vàng miếng giảm mạnh là tín hiệu tốt cho thị trường, nhưng điều này cũng chưa đủ khẳng định giải pháp bình ổn của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn “ổn” khi trên thị trường đang xuất hiện hiện tượng đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Nhất là tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Điều này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước xác thực qua công văn gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng. Cơ quan điều hành tiền tệ cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời phối hợp xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường.
Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp đảm bảo an ninh tại các địa điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC, hạn chế tình trạng các đối tượng có dụng ý xấu thuê người xếp hàng mua gom vàng, gây mất trật tự trị an.
GIÁ VÀNG NHẪN “LẶNG SÓNG”
Điều hành giá vàng SJC là một “ván cờ khó” đối với Ngân hàng Nhà nước, từng nước đi của nhà điều hành này có thể xoa dịu nhưng cũng có thể gây xáo động với thị trường và rõ ràng hai phương án là đấu thầu vàng và bán vàng miếng thông qua các ngân hàng là minh chứng.
Đáng nói là, trước đó đã có nhiều kiến nghị, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng; bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Bởi đến nay, Nghị định 24 đã hoàn thành vai trò lịch sử, song, có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế nên cần sớm được sửa đổi, thay thế.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến bây giờ Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa “chốt”.
Giữa “cơn bão” mang tên vàng miếng SJC chưa có dấu hiệu dừng lại, thì nhìn về phía giá vàng nhẫn lại có phần “êm” hơn. Giá vàng nhẫn cũng thường bám sát với giá vàng thế giới.
Hồi cố lại từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn bắt đầu tăng mạnh vào giai đoạn đầu tháng 4. Khi đó, giá vàng trên thế giới và giá vàng SJC “đồng biến” tăng cao, kéo theo nhu cầu đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản, đầu tư sinh lời của người dân tăng. Điều này thể hiện rõ ở việc người dân chuyển sang các sản phẩm đa dạng hơn khi không chỉ mua vàng miếng SJC mà còn lựa chọn các sản phẩm vàng nhẫn, vàng thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín.
Theo khảo sát ngày 11/6 giá vàng nhẫn đang được giao dịch trong khoảng 72,7 - 74,73 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, đã giảm hơn 2 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 75,7 triệu đồng/lượng. Song có thể nhận thấy, mức chênh lệch này không đáng kể so với đà giảm của vàng miếng SJC.
Trong khi đó, vàng miếng thường được dùng để tích trữ lâu dài, phù hợp đầu tư dài hạn hoặc làm quà tặng còn vàng nhẫn có giá trị đầu tư và tích trữ, nhưng thường được lựa chọn trong ngắn hạn hoặc đầu tư lướt sóng. Vậy việc giá vàng miếng SJC “nhảy múa” liên tục trong thời gian qua trong khi giá vàng nhẫn – đại diện cho thị trường lại ổn định đã dấy lên câu hỏi liệu có “bàn tay” nào đang thao túng thị trường vàng hay không?
Theo ghi nhận của nhiều chuyên gia, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ có động thái tăng cung, nhưng chưa có giảm cầu, điều này có thể dẫn đến hệ quả “vàng hóa” nền kinh tế, ngoại tệ bị mất đi, tiềm lực tài chính và an ninh tài chính của quốc gia suy giảm.
Do đó, nhiều người cũng hoài nghi, các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự “mạnh tay”, chỉ có thể giảm áp lực của giới truyền thông và sức ép từ nhóm lợi ích, đồng thời thể hiện sự quyết tâm trong điều hành của cơ quan quản lý “không làm gì không được”?