Trong tháng 5/2024, Bộ Tài chính đã đề xuất một số phương án hỗ trợ ngành ô tô trong nước như: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8, 9/2024 đến tháng 11/2024; và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong khi quyết định gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chấp thuận trước đó thì quyết định giảm lệ phí trước bạ chỉ mới được chấp thuận vào ngày 15/8 và kéo dài trong vòng 3 tháng.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – mã chứng khoán: VEA) là doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc giảm lệ phí trước bạ ô tô.
Cụ thể, sau thời gian chờ đợi thông tin về việc giảm lệ phí trước bạ, người tiêu dùng có khả năng sẽ thực hiện mua xe ngay sau tháng 7 âm lịch. Một số đại lý ô tô cũng đang ưu đãi 100% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất trong nước, giúp người mua không phải chờ đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực.
Số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán xe ô tô tháng 7/2024 tăng 17% so với cùng kỳ và tăng 9% so với quý trước, nhờ các chương trình ưu đãi mạnh của các đại lý ô tô.
Do đó, SSI Research kỳ vọng doanh số bán xe ô tô của các công ty liên kết sẽ cao hơn dự kiến (Toyota, Honda và Ford Việt Nam) trong nửa cuối năm 2024. Trong đó, VEAM sẽ được hưởng lợi lớn từ việc nắm giữ cổ phần tại các đơn vị trên.
Theo tìm hiểu, VEAM là đơn vị 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công thương. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất lắp ráp và kinh doanh máy móc nông nghiệp, máy kéo, ô tô… Bên cạnh đó, “ông lớn” này cũng đang nắm giữ lượng cổ phần lớn tại Honda Việt Nam (30%) và Toyota Việt Nam (20%).
SSI Research dự báo doanh thu quý 3/2024 của VEAM sẽ bị ảnh hưởng bởi người tiêu dùng tạm hoãn mua xe để chờ chính sách ưu đãi cũng như tâm lý hạn chế mua sản phẩm có giá trị trong tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, nhu cầu dồn nén sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu trong quý 4/2024.
Về kết quả kinh doanh quý 2/2024, VEAM ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.023 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty tăng 10,6% lên 169,6 tỷ đồng.
Quý này, doanh thu tài chính giảm 31,6% còn 203 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sự sụt giảm lãi tiền gửi ngân hàng. Cùng chiều doanh thu, chi phí tài chính cũng giảm mạnh 88,6% về mức 1,6 tỷ đồng. Điểm sáng là khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết như như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đạt 1.627 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,6%.
Kết quả, VEAM báo lãi sau thuế 1.822 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty thu về 1.929 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2,9%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng 2,3%, đạt mức 3.257 tỷ đồng.
Với việc lợi nhuận từ công ty liên kết tăng trong quý 2, nhóm phân tích SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 của VEAM lần lượt là 3.800 tỷ đồng và 6.540 tỷ đồng, tăng 0,5% và 4,4% so với cùng kỳ.
Về dài hạn, SSI Research duy trì ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2025 của VEAM lần lượt đạt 3,8 nghìn tỷ đồng và 6.7000 tỷ đồng, với giả định lãi suất tiền gửi tăng cao hơn và doanh số bán ô tô tiếp tục phục hồi.
Do đó, SSI Research duy trì mức giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu VEA là 46.500 đồng/cổ phiếu. Các yếu tố hỗ trợ khác như tiêu dùng phục hồi và tỷ suất cổ tức hấp dẫn (SSI Research ước tính tỷ suất cổ tức của VEA lần lượt là 12% và 11% trong năm 2024 và 2025) giúp công ty chứng khoán này cho rằng VEA vẫn có tiềm năng tăng giá.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 21/8, cổ phiếu VEA đóng cửa ở mức 44.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của công ty đạt khoảng 58.998 tỷ đồng.