Sau khi Nghị định 100/2019 "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt" (trong đó có nội dung xử phạt nặng người tham gia giao thông có sử dụng bia rượu) của Chính phủ có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông quyết liệt ra quân toàn quốc để kiểm soát, xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông do sử dụng rượu bia. Điều này đã hạn chế rất nhiều việc sử dụng rượu bia của một bộ phận lớn người dân. Chính vì vậy, nhiều ông lớn trong ngành bia rượu chịu ảnh hưởng đáng kể khi ghi nhận kết quả kinh doanh “tụt dốc”.
Ghi nhận báo cáo tài chính đã công bố của các doanh nghiệp ngành bia trên sàn chứng khoán cho thấy, phần lớn doanh thu và lợi nhuận cả năm 2023 của các doanh nghiệp này đều giảm sâu so với cùng kỳ.
LOẠT DOANH NGHIỆP KÉO DÀI MẠCH THUA LỖ
Một trong những doanh nghiệp lớn ngành bia rượu có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý 4/2023 là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) với doanh thu 8.520 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Khấu trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 2.455 tỷ đồng.
Trong kỳ, mặc dù hầu hết các chi phí đều được tiết giảm nhưng công ty vẫn báo lãi giảm 7,4% trong quý 4/2023, xuống 966,5 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, Sabeco thu về 30.461 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.255 tỷ đồng, thấp hơn 22,6% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Lý giải về doanh thu suy giảm trong quý 4/2023, Sabeco cho biết do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 dẫn đến kết quả đạt được không như kế hoạch.
Tương tự, “ông lớn” ngành bia khác là Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) cũng ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 giảm 7,7% còn 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355,4 tỷ đồng, giảm 29,8% so với năm 2022. So với kế hoạch đề ra, Habeco mới hoàn thành được gần 60% chỉ tiêu lợi nhuận.
Habeco cho biết, doanh thu bán hàng sụt giảm cùng việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 là những nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đi lùi trong năm vừa qua.
Thậm chí, Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán: HNR), chủ thương hiệu Vodka Hà Nội còn có tình hình kinh doanh kém sắc hơn khi doanh nghiệp này đã miệt mài báo lỗ tới 27 quý liên tiếp.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2023, Halico ghi nhận lỗ sau thuế hơn 4,2 tỷ đồng, đưa lỗ ròng cả năm 2023 lên 9,8 tỷ đồng. Theo ghi nhận, công ty đã thua lỗ triền miên 8 năm liền.
Không chỉ các doanh nghiệp bia rượu đầu ngành, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn. Điển hình là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: BSH) ghi nhận doanh thu giảm 3,1%, đạt 150,5 tỷ đồng trong quý 4/2023. Khấu trừ đi các chi phí, sau cùng doanh nghiệp báo lãi 7,2 tỷ đồng, thấp hơn 32,5% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2023, Bia Sài Gòn – Hà Nội chỉ đạt 43,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi năm 2022 lãi ròng 57,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 24,5%.
Chung cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (mã chứng khoán: HAD) chỉ đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023, giảm gần một nửa so với cùng kỳ; Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (mã chứng khoán: SMB) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 16,5%, chỉ đạt hơn 154,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa (mã chứng khoán: THB) sụt giảm gần 50% lợi nhuận sau thuế so với năm 2022, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng…
Phần lớn các doanh nghiệp bia rượu đều cho rằng nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh suy giảm là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thay đổi bởi kinh tế suy thoái và thói quen người tiêu dùng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định, ngành đồ uống có cồn đã có một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20 - 30%.
KHÓ KHĂN VẪN CÒN TIẾP DIỄN
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu ngành bia cũng ghi nhận đi thụt lùi. Điển hình, cổ phiếu SAB của Sabeco còn về vùng đáy lịch sử khi đang giao dịch tại vùng thấp nhất từ khi niêm yết, quanh mức 57.700 đồng/cổ phiếu so với đỉnh tháng 9/2023 đạt hơn 83.000 đồng/cổ phiếu.
Trong báo cáo ngành đồ uống, Công ty Chứng khoán Funan nhận định, rủi ro quan trọng của ngành rượu, bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.
Do đó, doanh thu thị trường bia trong nước vẫn khó có thể quay về mốc trước đại dịch Covid-19, dẫn tới thị giá cổ phiếu ngành này khó có thể kỳ vọng có những bước chuyển mình trong tương lai.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sabeco, vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến sẽ có sự chuyển dịch mạnh kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ sang kênh mua về.
Thực tế, thời điểm cuối năm 2023, Sabeco đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử và kỳ vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này trong năm 2024.
Trong báo mới đây, SSI Research cũng có quan điểm thận trọng hơn về triển vọng của mặt hàng bia rượu trong năm 2024, vì mức tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục bị tác động đồng thời từ Nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm sút.
SSI Research lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc khi Chính phủ nước này áp dụng luật lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia đã chững lại đáng kể. “Do đó, chúng tôi cho rằng các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại”, SSI Research nhận định.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu là một điểm nổi bật của năm 2023, khi Heineken ghi nhận mức giảm 13% về sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam trong khoảng 9 tháng đầu năm 2023 do mức tiêu thụ sản phẩm cao cấp sụt giảm, trong khi các thương hiệu phổ thông của hãng như Heineken Silver và Tiger Crystal lại giành được thị phần.
Sabeco cũng cho biết doanh nghiệp đã giành được thị phần trong 9 tháng đầu năm 2023 phần lớn nhờ lợi thế cạnh tranh trong phân khúc phổ thông khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu chuyển từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm phổ thông. Do đó, SSI Research kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra đến hết năm 2024.