Vietcombank dự kiến trích 21.700 tỷ lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức, cổ phiếu lập tức tăng kịch trần

Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ khen thưởng, phúc lợi, Vietcombank sẽ dùng hết 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB)

Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB) vừa phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

Theo đó, với lợi nhuận sau thuế riêng năm 2023 là 29.387 tỷ đồng, cộng với khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước hơn 3 tỷ đồng thì lợi nhuận phân phối của năm 2023 sẽ là 29.390 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 5%, tương ứng 1.469,5 tỷ đồng; quỹ dự phòng tài chính 10%, tức 2.939 tỷ đồng; quỹ khen thưởng, phúc lợi với 3.291,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcombank còn ghi nhận khoản điều chỉnh giảm khác là 9,8 tỷ đồng. Sau khi trừ đi những khoản trích lập trên, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 21.680 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị Vietcombank dự kiến sẽ dùng toàn bộ khoản lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần được trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến.

Trước đó, phương án phân phối lợi nhuận này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2023 thông qua. Trong năm 2023, Vietcombank đã phát hành được 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020.

Trên thị trường chứng khoán, cổ đông của Vietcombank cũng đón nhận nhiều tin vui. Ở phiên giao dịch chiều ngày 28/2, cổ phiếu VCB bất ngờ tăng kịch trần, vượt đỉnh cũ vào cuối tháng 7/2023 là 93.400 đồng/cổ phiếu để leo lên mức đỉnh lịch sử 97.400 đồng/cổ phiếu.

anh-chup-man-hinh-2024-02-28-luc-145313-281.png
Diễn biến cổ phiếu VCB trong thời gian qua

So với thời điểm đầu năm 2024, cổ phiếu “vua” này đã tăng khoảng 20%, giúp vốn hóa thị trường Vietcombank tăng lên mức kỷ lục trên 540.000 tỷ đồng. Con số này cũng củng cố vững chắc ngôi vị số 1 thị trường về giá trị vốn hóa, bỏ xa hai “ông lớn” đứng kế sau cũng thuộc nhóm ngân hàng là BIDV (307.000 tỷ đồng) và VietinBank (194.000 tỷ đồng).

Một nội dung đáng chú ý khác, ngân hàng Vietcombank mới đây đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 là ngày 26/3, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/3. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 26/4 tại Trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Cuộc họp nhằm thông qua những nội dung quan trọng như: Báo cáo Hội đồng quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát về hoạt động kinh doanh năm 2023, định hướng năm 2024; Tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022; Tờ trình về thông qua báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Thù lao Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát,…

Về kết quả kinh doanh, tính chung của năm 2023, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đi ngang ở mức 53.621 tỷ đồng trong khi các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm. Trong khi đó, lãi từ hoạt động khác tăng 10,6% lên mức 2.272 tỷ đồng; thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 266 tỷ đồng sau khi tăng 27,8%.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 51,8% xuống còn 4.565 tỷ đồng. Kết quả, Vietcombank báo lãi trước thuế 41.244 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 96% mục tiêu 43.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã đề ra cho cả năm 2023. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Vietcombank vẫn tiếp tục là quán quân lợi nhuận ngân hàng và khó có ngân hàng nào có thể vượt qua mức lợi nhuận này của “ông lớn” này.

Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietcombank tăng nhẹ hơn 1% so với cùng kỳ, đạt 1.839.233 tỷ đồng. Cho vay khách hàng cũng tăng 11% và đạt mức 1.270.359 tỷ đồng. Cùng chiều, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng 18,1% lên mức 55.891 tỷ đồng.

Mặt khác, chất lượng nợ vay của Vietcombank không khả quan khi tăng nợ xấu đến 59,3% so với đầu năm, lên 12.454 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay nhảy vọt từ 0,68% đầu năm lên 0,98% so với hồi đầu năm.

Có thể bạn quan tâm