Sau khi thâu tóm lại TTF, nhóm cổ đông lớn U&I- Unicons sẽ đối mặt với khó khăn về cân đối tài chính, khắc phục thua lỗ nghìn tỷ, trả nợ…
Cuộc “thay máu” lần hai
Gỗ Trường Thành tiếp tục có biến động về sở hữu cổ phần khi cổ đông lớn CTCP Đầu tư xây dựng Tân Liên Phát (một thành viên của Vingroup) rốt ráo thực hiện thoái vốn.
Ngày 31/3/2017, Tân Liên Phát đã chuyển nhượng thành công 36,3 triệu cổ phiếu TTF để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,84% vốn, tương ứng còn 7 triệu cổ phiếu. Trước đó, cổ đông này đã bán thoả thuận gần 29 triệu cổ phiếu TTF vào cuối tháng 11/2016, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 29,9% vốn (tương ứng còn hơn 43,2 triệu cổ phiếu).
Với giá giao dịch thoả thuận TTF quanh mức 7.000-8.000 đồng/CP, ước tính Tân Liên Phát sẽ thu về khoảng từ 254 tỷ đồng đến 290 tỷ đồng từ đợt thoái vốn 36 triệu cổ phiếu này.
Như vậy, Tân Liên Phát đã không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành, cũng đồng nghĩa kế hoạch nâng sở hữu tại đây lên 69% của Tân Liên Phát đã “đổ bể”.
Trên sàn chứng khoán, động thái gom hàng TTF của các “tay to” khiến mã này hồi phục ấn tượng, tăng tới 114% từ 4.000 đồng/CP lên mức 8.580 đồng/CP sau thời gian dài mất giá thảm hại.
Danh tính “tay to” cũng nhanh chóng lộ diện chỉ vài ngày sau đó. CTCP Xây dựng U&I (Unicons) có trụ sở tại tỉnh Bình Dương công bố đã mua lại 29 triệu cổ phiếu TTF, nhờ đó sở hữu 20,054% vốn điều lệ Gỗ Trường Thành. Sau giao dịch này, TTF đã trở thành công ty liên kết và về “chung một nhà” của tập đoàn U&I Investment Corporation do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Được biết, Unicons thành lập từ tháng 9/2000, thuộc sở hữu của ông Mai Hữu Tín, chuyên về thiết kế, thi công các công trình dân dụng-công nghiệp hàng đầu tại khu vực Bình Dương và phụ cận.
Doanh nhân Mai Hữu Tín từng gây chú ý với thương vụ thâu tóm trị giá 416 tỷ đồng khi mua lại 42,3% cổ phần công ty Giấy Sài Gòn hồi tháng 9/2013 thông qua Công ty CP Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Tín làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tín đã trở thành “cứu tinh” cho doanh nghiệp giấy lớn đang gặp khó khăn, vực dậy sản xuất kinh doanh...
Hiện nay, Tập đoàn U&I đã phát triển mạng lưới 39 công ty thành viên hoạt động đa ngành gồm: Bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông và công nghiệp.
Doanh nhân Mai Hữu Tín
Tuy nhiên, trở thành cổ đông lớn của TTF, Unicons sẽ chịu áp lực lớn khi phải lèo lái con thuyền TTF đang bất ổn, thua lỗ nghìn tỷ cũng như đang “dính” nhiều sai phạm tài chính, nhân sự chủ chốt ra đi… Đến cuối năm 2016, lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ lên tới 1.271 tỷ đồng, giảm hơn 350 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán.
Trước đó, năm 2016, công ty này đã miễn nhiệm các lãnh đạo, gồm: Chủ tịch HĐQT Võ Trường Thành, Thành viên HĐQT Trần Hoài An, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tạ Văn Nam và Thành viên HĐQT/Phó tổng giám đốc Đinh Văn Hóa… Biến động nhân sự kiến tình hình hoạt động công ty càng bị xáo trộn, ảnh hưởng tới hiệu quả.
"Do lỗ luỹ kế cuối năm 2016 lên tới 1.417 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành đã bị “bào mòn” mất tới 90% chỉ còn lại 132 tỷ đồng".
“Miếng bánh” có ngon?
Còn nhớ, cổ đông Tân Liên Phát từng có ý định gắn bó lâu dài khi dự định tăng tỷ lệ sở hữu TTF lên 69% vốn điều lệ. Nhưng, tháng 7/2016, Tân Liên Phát bất ngờ tuyên bố tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng thành cổ phiếu khi phát hiện ra một số sai lệch nghiêm trọng tại TTF.
Đơn cử: trong quý 2/2016, kiểm toán E&Y Việt Nam phát hiện thiếu gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán, cùng với đó là công ty bất ngờ bị lỗ gộp tới 945 tỷ đồng, chi phí tăng vọt gấp 2,3 lần, phải thu khách hàng điều chỉnh giảm hàng trăm tỷ đồng, tăng trích lập dự phòng… Tổng tài sản của TTF bị “bốc hơi” rất mạnh tới 18,5% chỉ còn lại 3.574 tỷ đồng.
Do lỗ luỹ kế cuối năm 2016 lên tới 1.417 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành đã bị “bào mòn” mất tới 90% chỉ còn lại 132 tỷ đồng. Nhiều cổ đông, nhà đầu tư xót xa khi chỉ số EPS bị âm 8.877 đồng, tức mỗi cổ phiếu TTF bị lỗ tới 89% mệnh giá.
BCTC cho thấy, đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của TTF lên tới 3.453 tỷ đồng và chiếm tới 99% là nợ phải trả ngắn hạn. Trong đó, riêng nợ vay ngắn hạn hơn 2.637 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước.
Với tình hình làm ăn bết bát, TTF sẽ khó xoay sở trả nợ ngắn hạn cho 8 chủ nợ ngân hàng với tổng dư nợ 933,7 tỷ đồng, gồm: VietAbank dư nợ 653 tỷ đồng, DongAbank là 124 tỷ đồng, SHB là 56 tỷ đồng, Agribank 25 tỷ đồng, KienLongBank 60 tỷ đồng…
Còn khoản nợ chuyển đổi 1.200 tỷ đồng (gồm 2 khoản) từ Tân Liên Phát, ngày 28/12/2016, Hội đồng quản trị TTF đã quyết định gia hạn và sửa đổi điều khoản của khoản vay chuyển đổi theo khoản vay thông thường. Theo đó hai khoản nợ được gia hạn đến ngày 22/6/2017 và 11/7/2017.
Có thể thấy, khi Unicons tham gia vào TTF sẽ phải đối mặt với những khó khăn về cân đối tài chính, khắc phục thua lỗ luỹ kế, đồng thời tái cơ cấu gánh nặng nợ nghìn tỷ này.
Cuộc “thay máu” lần hai này liệu có làm “hồi sinh” Gỗ Trường Thành hay không thì vẫn còn chờ tín hiệu tiếp theo từ cổ đông Unicons và ông Mai Hữu Tín? Dù TTF đang ngập trong thua lỗ, nhưng con đường M&A sẽ giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian, khoảng cách để khai thác khối tài sản của TTF, trong đó, lợi thế về quỹ đất đai lớn phải chăng là đích nhắm của nhà thầu xây dựng Unicons… phục vụ những toan tính lớn hơn?
Những thông tin xấu dồn dập xảy đến khiến giá cổ phiếu TTF “bốc hơi” mất tới 76% thị giá, rớt xuống mức 4.000 đồng/CP. Chỉ đến gần đây, cổ phiếu mới hồi phục về mức 8.580 đồng/CP phiên ngày 5/4/2017. |
Hải Hà
>> Các lãnh đạo Gỗ Trường Thành xin dùng tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả sai phạm