Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng vào 4/6, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/6 và thời gian thanh toán dự kiến là 10/6. Với 156,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền mà công ty dự chi vào khoảng 314 tỷ đồng.
Năm 2019, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Vicostone đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 5.310 tỷ đồng doanh thu và 1.565 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng mức tăng 16,3% và 18,7% so với kết quả đạt được năm trước.
Kết thúc quý I, Vicostone ghi nhận 1.132 tỷ đồng doanh thu và 306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17,3% và 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 259,7 tỷ đồng, tăng 18,9% so với quý I/2018. Như vậy, với kết quả đạt được, Vicostone đã thực hiện 21% kế hoạch doanh thu và 19,6% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu tiên.
Vicostone cũng đã thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế. Tổng giá trị chuyển nhượng là 50 tỷ đồng, thời gian thực hiện ngay trong tháng 5/2019 này.
Điều kiện tài chính kèm theo khi nhận chuyển nhượng vốn góp là Vicostone chịu trách nhiệm cho Phenikaa Huế vay để hoàn trả cho Phenikaa toàn bộ tiền gốc và lãi mà Phenikaa Huế đã vay của Phenikaa.
Tại thời điểm 28/2/2019, tổng tài sản của Phenikaa Huế đạt 622 tỷ đồng, nợ phải trả 572 tỷ, trong đó có 306 tỷ đồng nợ vay từ Vietcombank chi nhánh Thành Công, 219 tỷ đồng là vốn vay của Phenikaa.
Việc nhận chuyển nhượng Phenikaa Huế khiến cho tổng tài sản và nợ của Vicostone tăng lên, công ty bắt đầu xuất hiện nợ dài hạn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng cơ cấu nợ hiện tại của công ty là không đáng ngại.
Được biết, đây là một trong những động thái để Vicostone tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tập trung về một đầu mối cung cấp nguyên vật liệu cho các công ty sản xuất trong tập đoàn.
Sau khi nhận chuyển nhượng vốn góp tại Phenikaa Huế, Vicostone sẽ trở thành đầu mối cung cấp cristobalite - một trong những nguyên vật liệu thiết yếu để sản xuất đá thạch anh tấm lớn. Đồng thời, Vicostone của ông Hồ Xuân Năng sẽ tăng cường nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu đầu vào với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đạt 95%, thông qua việc nhận chuyển nhượng vốn góp tại Phenikaa Huế và triển khai dự án sản phẩm nhựa Polyester không no.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCS chủ yếu giao dịch quanh mức 60.000 – 70.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm 2019. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/05, VCS lùi về mức 61.900 đồng/cổ phiếu, giảm 40% so với thời điểm cách đây 1 năm. Vốn hóa thị trường tạm tính ở mức 9.700 tỷ đồng.