Vinaconex làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Anh rộng gần 300ha

Khu công nghiệp Đông Anh có tổng vốn đầu tư là 6.338 tỷ đồng, thời hạn hoạt động dự án là 50 năm...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vinaconex làm dự án khu công nghiệp Đông Anh rộng gần 300ha
Vinaconex làm dự án khu công nghiệp Đông Anh rộng gần 300ha

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 221/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội. Theo đó, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) là chủ đầu tư dự án.

Khu công nghiệp Đông Anh được xây dựng tại xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Về quy mô sử dụng đất của dự án là 299,4ha gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 179,1ha và giai đoạn 2 là 120,3ha. Trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.

Tổng vốn đầu tư là 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng giao cho UBND thành phố Hà Nội đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Đông Anh đã được phê duyệt. Không được chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Đông Anh còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền.

Thành phố Hà Nội cần tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh; xem xét bố trí quỹ đất công nghiệp trong khu công nghiệp Đông Anh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh thuê lại đất.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp đủ vốn và đúng thời hạn theo cam kết của nhà đầu tư.

Đối với Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vinaconex cần đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, doanh nghiệp này chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Về Vinaconex, mới đây, Chứng khoán Mirae Asset vừa công báo báo cáo phân tích doanh nghiệp này. Theo đó, trong năm 2024, Mirae Asset áp dụng cách tiếp cận thận trọng đối với VCG vì triển vọng vẫn chưa rõ ràng, mặc dù phân khúc xây dựng dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Bước vào năm tài chính 2024, công ty chứng khoán chưa thấy có yếu tố tích cực hơn từ góc nhìn hiện tại.

Về xây dựng, Mirae Asset dự báo tăng trưởng doanh thu khoảng 20% cho năm 2024, thấp hơn con số tăng trưởng của năm 2023. Còn bất động sản hầu như không có nguồn thu nhập do việc phát triển các dự án tiềm năng còn chậm chạp và thông tin còn hạn chế.

Trong khi đó, các phân khúc khác như giáo dục, sản xuất và dịch vụ…, mặc dù hoạt động trong môi trường cạnh tranh trung bình và những quy định ở mức vừa phải, những phân khúc này được coi là nguồn thu nhập ổn định nhất vì chúng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm