Chứng khoán ngày 25/6, sau phiên giao dịch giảm điểm mạnh hôm qua, thị trường phiên hôm nay nhìn chung giao dịch trong trạng thái thận trọng và VN-Index biến động hẹp quanh tham chiếu.
Kết phiên VN-Index phục hồi tăng 2,44 điểm (+0,19%) lên mốc 1.256,56 điểm. HNX-Index kết phiên tại mốc 240,19 điểm, tăng 0,45 điểm (+0,19%). Độ rộng thị trường tại HOSE nghiêng về bên mua với 186 cổ phiếu tăng giá, 122 cổ phiếu tăng giá, 64 cổ phiếu tham chiếu.
Độ rộng thị trường tại HNX khá cân bằng với 85 cổ phiếu tăng giá, 66 cổ phiếu tham chiếu và 82 cổ phiếu giảm giá. Thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -50,2% tại HOSE và -58,7% tại HNX.
Khối ngoại phiên hôm nay tiếp tục đà bán ròng với -707,33 tỷ đồng tại HOSE tiếp tục tập trung tại mã FPT (-246,7 tỷ), bên cạnh đó là MWG (-128,8 tỷ), HPG (-44 tỷ) và GAS (38,8 tỷ)...về chiều mua ròng có VCI (+86,3 tỷ), HAH (+40,8 tỷ)...
Ngược lại, đà mua ròng từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với +46,72 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (+25,7 tỷ), IDC (+13,7 tỷ), chiều bán ròng nổi bật với NTP và TIG (-1 tỷ)...
Giao dịch nổi bật nhất trong phiên hôm nay là cổ phiếu VRE (+6,8%) khi tăng nhanh trong phiên sáng và tăng hết biên độ trong phiên chiều với khối lượng cao nhất trong vòng 3 tháng.
Nhiều cổ phiếu trong bất động sản cũng giao dịch trong sắc xanh như TCH (+1,28%), DIG (+0,75%), HDG (+2,91%), NLG (+2,09%), KDH (1,23%), NTL (+2,63%), VHM (+0,9%), VIC (+0,2%). Bên cạnh đó, nhóm du lịch và giải trí cũng khá tích cực với các mã HVN (+3,98%), VTD (+2,58%), VNG (+3,63%), DSP (+2,56%).
Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến hồi phục như cao su, tiêu biểu với GVR (+1,82%), DPR (+1,72%)... Hóa chất và phân bón với DCM (+1,4%), DPM (+2,1%), LAS (+0,44%)...
Đà phục hồi hôm nay còn có sự đóng góp từ nhóm cảng và vận tải biển với HAH tăng kịch biên độ (+6,89%). Hải An hiện được đánh giá sẽ là một trong những hãng vận tải container được hưởng lợi lớn trong bối cảnh giá cước tăng nhờ số lượng tàu lớn và tuyến hoạt động đa dạng, VSC (+3,33%), VOS (+4,59%), PVT (+2,46%), VTO (+1,56%)... Nhóm cổ phiếu Viettel phiên hôm nay diễn ra sự phân hóa với VTP (-3,48%), CTR (-0,4%), VGI (+0,77%).
Ngành ngân hàng có sự phân hóa với OCB (+1,75%), HDB (+1,12%), SHB (+0,88%), TPB (+0,86%), nhưng MBB (-0,22%) và đặc biệt là SSB (-6,42%) giảm mạnh do có lực bán ATC. Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại nhóm chứng khoán với VCI (+2,64%), BVS (+2,19%)…trong khi VDS (-1,67%), TVS (-0,62%), APS (-3,9%)…
Ngành công nghệ thông tin tiếp tục chịu áp lực bán chốt lãi với nhiều mã giảm điểm như FPT (-1,59%), CMG (-4,07%), ELC (-2,76%), ICT (-6,2%), ITD (-3,36%)... Đa số cổ phiếu ngành bán lẻ đều giao dịch đi ngang với MWG (0%), FRT (0%), DGW (+0,49%), PET (0%), PNJ (+0,82%)...
Khả năng lùi tiếp xuống vùng 1.235 – 1.240 điểm
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường giao dịch trong vùng 1.250 – 1.260 cả ngày hôm nay trước khi đóng cửa tại mốc 1.256,56 điểm, tăng nhẹ hơn 2 điểm so với phiên hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 12/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành du lịch và giải trí dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành hóa chất, bất động sản,…
Đà giảm mạnh đã chững lại. Tuy nhiên, thanh khoản phiên hôm nay rất thấp cho thấy tâm lý thị trường đang dè chừng. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới, thị trường không loại trừ khả năng lùi tiếp xuống vùng 1.235 – 1.240 điểm.
Quán tính điều chỉnh ngắn hạn vẫn còn
Chứng khoán Asean
Thị trường dao động biên độ hẹp trong phiên hôm nay với thanh khoản giảm nhẹ sau một phiên phân phối lớn. Điểm tích cực trong phiên hôm nay là lực bán giảm đi đáng kể mỗi lần thị trường tiến sát mốc 1.250 điểm. Bên cạnh đó, nhiều nhóm ngành bật tăng trở lại sau phiên bán lan ngày hôm qua như thép, vận tải biển góp phần cải thiện tâm lý chung của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, quán tính điều chỉnh ngắn hạn vẫn còn do đó ở chiều mua lên, nhà đầu tư cần chờ thêm phán ứng cân bằng trong phiên cổ phiếu bắt đáy về tài khoản ngày mai.
Chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.230
Chứng khoán SHS
Với tín hiệu rủi ro tương tự VN-Index vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1230 điểm, nếu không giữ được vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.250 điểm. Trong ngắn hạn VN-Index đang kiểm tra lại vùng dưới của kênh tích lũy 1.250 - 1.300 điểm, tương ứng với vùng cân bằng của kênh tích lũy trung hạn 1.245 -1.255 điểm.
Trong đó 1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 9/2023, 1.245 điểm là giá cao nhất tháng 8/2023. Trường hợp tích cực VN-Index có thể phục hồi trở lại vùng giá kháng cự gần nhất 1.265 - 1.270 điểm, duy trì được trên vùng giá 1.250 điểm khi kết thúc quý 2/2024 trong cuối tuần này.
Đây là tuần khá quan trọng của thị trường khi kết thúc quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2024. Xu hướng trung hạn VN-Index duy trì biến động trong kênh 1.180 - 1.200 điểm đến 1.300 điểm.
Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Có thể giải ngân tỷ trọng nhỏ đối với những cổ phiếu duy trì được xu hướng
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu lại danh mục, bán những mã không còn động lực tăng và phá vỡ khu vực hỗ trợ.
Đồng thời có thể cân nhắc giải ngân tỷ trọng nhỏ (30%) đối với những cổ phiếu duy trì được xu hướng và không có biến động lớn thuộc nhóm ngành vận tải - cảng biển, phân đạm.
Thận trọng và ưu tiên chiến lược quản trị rủi ro
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Sau phiên giảm mạnh hôm qua, VN-Index đã lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch hôm nay với số ngành tăng điểm áp đảo (14/21 nhóm ngành tăng điểm). Tuy vậy, biên độ tăng điểm không cao và thanh khoản sụt giảm mạnh so với phiên trước, giảm tới 32% so với mức trung bình 20 phiên.
Vì vậy, phiên tăng hôm nay không mang nhiều tiêu chí cũng như động lực để đảo ngược xu hướng giảm điểm đã hình thành trong phiên trước đó. Phiên tăng cũng thiên về nhịp hồi kỹ thuật để lấy lại vị thế cân bằng sau phiên bán hoảng loạn hôm qua.
CSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng và ưu tiên chiến lược quản trị rủi ro, tiếp tục vị thế căn bán, giảm tỷ trọng khi VN-Index hồi phục kỹ thuật lên ngưỡng quanh mốc 1.270 điểm.
Tránh mua lại quá sớm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tăng điểm nhẹ và hình thành mẫu nến "Doji", đi kèm thanh khoản sụt giảm cho thấy áp lực phân phối phần nào đã hạ nhiệt và trạng thái cung cầu có phần ổn định hơn.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng VN-Index vẫn chịu quán tính điều chỉnh trong các phiên tới, trước khi có thể cho phản ứng rút chân giằng co trong vùng biên độ 1.210-1.240 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua lại quá sớm, chỉ giải ngân một phần tỷ trọng nhỏ trading quay vòng cho các vị thế đang nắm giữ tại khi chỉ số lui về vùng hỗ trợ đã đề cập.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.