Cụ thể, huy động vốn trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng đạt 1,6 triệu tỷ, tăng khoảng 10% và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn lại không có nhiều biến động, luôn chiếm khoảng 10% tổng dư nợ.
Báo cáo của HoREA cho thấy, nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tại TP. HCM tăng mạnh, chiếm tới 1/3 trên tổng số 18.000 doanh nghiệp mới thành lập. Thị trường bất động sản ở khu vực này cũng diễn biến sôi động, đặc biệt là ở phân khúc đất nền với nhiều đợt sốt nóng tăng giá bất thường ở các khu vực trung tâm TP.HCM và vùng ven, vùng có các dự án lớn sắp sửa triển khai.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, HoREA cho biết, thị trường đang có biến động tích cực. Theo đó, nguồn cung căn hộ vừa túi tiền (trung cấp và thấp cấp) tại TP. HCM đang tăng lên chiếm khoảng 68,7% tổng số căn hộ đưa ra thị trường.
Phân khúc nhà ở bình dân cũng tăng nhanh, với tỷ lệ tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2016, còn phân khúc nhà trung bình đang suy giảm. Theo thống kê của HoREA, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên phát triển nhà trung cấp, nhưng trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp này không cung cấp sản phẩm nào ra ngoài thị trường.
Mặc dù thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, nhưng theo đánh giá của HoREA, thị trường vẫn đang tồn tại hàng loạt “điểm nghẽn” cần phải giải quyết.
Những điểm nghẽn cụ thể có thể kể đến, như: Điểm nghẽn gánh nặng tiền sử dụng đất; Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng; Điểm nghẽn về chuyển nhượng dự án; Điểm nghẽn về chính sách tín dụng còn chưa phù hợp và điểm nghẽn về thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài.
Những “điểm nghẽn” này trong trong thời gian qua, HoREA liên tục có những kiến nghị tháo gỡ đến nhiều cấp chính quyền. Tuy nhiên đến nay, đa số “điểm nghẽn” vẫn tồn tại và cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản.
>> Chạy đua tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng hút mạnh vốn