Vụ Bất động sản Nhật Nam: Nhà đầu tư phải trả lại tiền lãi?

Không chỉ lo ngại về việc không thể thu hồi được vốn gốc, nhà đầu tư trong vụ Bất động sản Nhật Nam còn đang đứng trước rủi ro phải trả lại khoản tiền lãi được chi trả trước đó...

Bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam

Đầu tháng 9/2023, việc bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ rồi khởi tố, bắt tạm giam là một trong những thông tin đáng chú. Bà này bị cho là đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cho đến hiện tại, không chỉ bà Thuý cùng người liên quan lo sốt vó, mà bản thân những nhà đầu tư cũng đang đứng ngồi không yên vì chưa biết bao giờ mới lấy lại được tiền vốn, thậm chí tiền lãi đã được chi trả trước đó cũng nhiều khả năng bị thu hồi.

Chưa rõ thời gian lấy lại tiền vốn gốc thì có thể hiểu, song với tư cách là người bị hại, tại sao nhà đầu tư lại lo lắng việc phải trả lại tiền lãi (khoản lợi nhuận mà Công ty Nhật Nam đã chi trả cho nhà đầu tư)?

Theo giới nghiên cứu luật, để giải thích câu hỏi trên phải nhìn kỹ vào mức lãi suất và bản hợp đồng mà Bất động sản Nhật Nam đã ký với nhà đầu tư.

Cụ thể, mức lãi suất bà Thuý đưa ra để dụ người dân nộp tiền là 34-46%/năm, thậm chí lên tới 70-80%/năm là mức lãi suất vượt rào. Bởi, Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Lãi suất trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương với mức lãi suất không quá 1,666%/tháng, và quy định này chỉ áp dụng đối với các khoản vay trong giao dịch dân sự thông thường”.

Theo khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Việc thỏa thuận phân chia lợi nhuận giữa các bên theo lẽ thông thường căn cứ vào tỷ lệ góp vốn, không có quy định về phân chia lợi nhuận theo lãi suất cố định.

Vì vậy, để đưa lãi suất cao hơn trần quy định, thay vì sử dụng hợp đồng vay thì bà Thuý đã sử dụng hợp đồng hợp tác kinh doanh để ký kết với các nhà đầu tư.

Nguyên nhân là do bản chất của một hợp đồng hợp tác kinh doanh là “lời ăn, lỗ chịu” và chia lợi nhuận tuỳ theo lợi nhuận doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, trong một năm, nếu doanh nghiệp đủ lãi để chia, nhà đầu tư góp 1 đồng và thu về 10 đồng thì vẫn tuân thủ luật pháp.

Điều đáng nói, tại hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Bất động sản Nhật Nam và nhà đầu tư lại ghi mức lãi suất cố định. Trong khi, như đã nêu, chỉ khi nào doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thì các nhà đầu tư mới có tiền để chia.

Như vậy, đây không thể coi là hợp đồng cho vay thông thường, cũng chẳng thể coi là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Bà Thuý đã dùng lãi suất cao làm mồi và sự “nhập nhèm” của bản hợp đồng để qua mặt các nhà đầu tư. Và chính sự "nhập nhèm" này khiến vụ việc đang bị rẽ sang hai hướng rõ rệt.

Thứ nhất, nếu cơ quan chức năng nhận định rằng đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh và việc trả lãi suất hợp tác là theo thoả thuận thì chưa chắc nhà đầu tư đã phải trả lại số lợi nhuận thu về từ doanh nghiệp huy động vốn.

Thứ hai, nếu cơ quan chức năng nhận định đây là hợp đồng cho vay thông thường, thì mức lãi suất mà Bất động sản Nhật Nam đưa ra đã vượt qua trần quy định và có dấu hiệu trái pháp luật dân sự. Khi đó, nhà đầu tư phải trả lại số tiền thu lợi vượt mức trần.

Ví dụ, nhà đầu tư A cho Bất động sản Nhật Nam vay 100 triệu đồng với lãi suất cam kết 40%/năm. Bất động sản Nhật Nam trả cho nhà đầu tư A đúng cam kết trong 1 năm, tương đương với 40 triệu đồng. Do pháp luật quy định lãi suất tối đa là 20%/năm (tương đương 20 triệu đồng) nên nhà đầu tư A phải trả lại cho Bất động sản Nhật Nam 20 triệu đồng vượt trần. Điều này diễn ra ngay cả khi nhà đầu tư A chưa thu lại được hết vốn cho vay gốc.

Theo Luật sư Đỗ Quang Hưng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nếu là hợp đồng cho vay thông thường, nhà đầu tư không cần trả lại toàn bộ số tiền lãi đã nhận được, nhưng phải trả lại một phần vượt quy định.

Ông Hưng cũng lưu ý rằng: “Việc kết luận có hay không việc nhà đầu tư phải trả lại phần lợi nhuận bất chính vẫn phụ thuộc vào các cơ quan điều tra và công tác xét xử của toà án. Bên cạnh đó, nếu như khoản lợi nhuận này chưa được trích nộp thuế bởi doanh nghiệp huy động vốn, thì nhà đầu tư tự phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định”.

Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty bất động sản Nhật Nam có nhiều dấu hiệu bất hợp pháp, dựa theo mô hình “Ponzi”, lấy tiền của người trước trả cho người sau. Thực tế, mô hình này đã bị Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an ra văn bản cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự hồi tháng 8/2022.

Thông thường, đối với hành vi đưa ra thông tin sai sự thật về tính chất, quy mô các dự án để huy động vốn từ các nhà đầu tư sẽ được áp vào hành vi sử dụng “thủ đoạn gian dối”.

Còn việc sử dụng vốn huy động để sử dụng quay vòng, trả lãi hàng tháng cho các nhà đầu tư trong khi mục đích thỏa thuận nhận tiền của các nhà đầu tư là để đầu tư dự án và sinh lời cũng được cho là hành vi cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Có thể bạn quan tâm