Xin ý kiến Quốc hội về cơ chế thu hồi đất, thỏa thuận chuyển nhượng đất

Báo cáo Quốc hội tờ trình tóm tắt dự Luật Đất đai sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn ra một số ý kiến như: Cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; Phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất…
Một số ý kiến đề nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (Ảnh minh họa
Một số ý kiến đề nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (Ảnh minh họa

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã báo cáo Quốc hội tờ trình tóm tắt dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Chính phủ cho biết, đa số ý kiến thống nhất không quy định nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Điều này nhằm thể chế Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương là thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 khai mạc tháng 10/2022, tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.

Chính phủ cũng xin ý kiến Quốc hội về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Dự thảo Luật Đất đai nêu nguyên tắc, Nhà nước phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường phải đảm bảo người dân có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Đây là một trong những điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đa số thành viên Chính phủ thống nhất mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể phù hợp tình hình địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ cũng xin ý kiến Quốc hội về vấn đề thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Có thể bạn quan tâm