Chứng khoán ngày 11/7, VN-Index sau khi vượt vùng kháng cự quanh 1.140 điểm trong phiên trước, duy trì xu hướng tăng trong phiên giao dịch sáng hướng đến vùng giá 1.158 điểm - 1.160 điểm và chịu áp lực rung lắc mạnh với thanh khoản gia tăng. Kết thúc phiên VN-Index vẫn tăng 2,75 điểm (+0,24%) lên 1.151,77 điểm. HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,37%) lên 229,22 điểm. Độ rộng thị trường trên hai sàn niêm yết duy trì tích cực với tổng cộng 328 mã tăng giá (21 mã tăng trần), nhưng áp lực bán ngắn hạn gia tăng hơn với 292 mã giảm giá (10 mã giảm sàn) và 116 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 20,953,35 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình cho thấy dòng tiền ngắn hạn đang gia tăng trở lại sau những phiên điều chỉnh và khi VN-Index vượt kháng cự đỉnh gần nhất. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE với giá trị 138,18 tỷ đồng, mua ròng trên HNX với giá trị 59,03 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận khá nhiều thông tin tích cực như ngày 10/7/2023 Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5-2% và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống và chú trọng xử lý nợ xấu.
Qua đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số có diễn biến tích cực ngay từ đầu phiên giao dịch, nhiều mã tăng giá tốt với thanh khoản cải thiện mạnh với PGB (+5,68%), NVB (+4,96%), ABB (+2,27%), MBB (+2,17%), CTG (+2,02%).. ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng điểm trước như BID (-0,85%), VPB (-0,75%), LPB (-0,61%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa hơn, các mã đầu ngành duy trì tăng điểm tích cực như SSI (+2,00%), HCM (+0,50%)... trong khi đa số chịu áp lực điều chỉnh nhẹ với thanh khoản ở mức trung bình sau khi tăng khá mạnh phiên trước như MBS (-1,46%), BSI (-1,09%), VCI (-0,72%)...
Các cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp, cao su, cảng biển đa số có diễn biến khá tích cực, duy trì xu hướng tăng điểm tốt so với thị trường chung, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình như IDC (+2,07%), D2D (+1,43%), GVR (+1,18%), VGC (+0,88%).. . GMD (1,80%), DVP (+1,84%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản trên mức trung bình như VOS (-1,89%), HAH (-1,53%), VSC (-1,16%)... TIP (-1,53%), SIP (-1,21%)...
Các cổ phiếu nhóm bất động sản đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình với DRH (-2,87%), NHA (-2,38%), TDC (-1,48%), DIG (-1,40%), NVL (-1,34%)... Trong khi nhóm bán lẻ vẫn duy trì xu hướng tăng giá giá tích cực như MWG (+2,20%), FRT (+1,72%), MSN (+1,67%), DGW (+1,15%)...
Rủi ro ở mức cao
Chứng khoán Yuanta
Thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ gần nhất là 1.140 điểm. Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên mua trên cổ phiếu có sẵn trong danh mục, kịch bản điều chỉnh mạnh có thể xảy ra khi thị trường chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn trong vùng bi quan cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn phân hóa và rất khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu hiện tại và hạn chế tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu vào lúc này hoặc chỉ xem xét mua mới với tỷ trọng thấp. Nhìn chung, đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế có sẵn cổ phiếu để tránh các rủi ro ngắn hạn.
Kiên nhẫn chờ đợi
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán về cuối phiên đã khiến cho thị trường không thể duy trì mức tăng mạnh mẽ như nửa đầu phiên và do đó hình thành nến dạng Inverted hammer. VN-Index đã có được 2 phiên tăng điểm tích cực vượt lên trên khu vực kháng cự quanh 1.140.
Với diễn biến hiện tại, xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục nối dài mạch tăng điểm để hướng lên khu vực 1.170, tương ứng thang đo Fibonacci mở rộng 0.618. Tuy nhiên, ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo MACD và RSI vẫn tiềm ẩn rủi ro hình thành phân kỳ âm 3 đoạn. Thêm vào đó, 2 chỉ báo nói trên ở khung đồ thị giờ cũng đã ở vùng cao và có xu hướng tạo đỉnh đầu tiên nên trong ngắn hạn thị trường hoàn toàn có thể có những phiên rung lắc điều chỉnh để kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1.140 trước khi bước vào nhịp tăng điểm dài hơi hơn.
Theo đó, khuyến nghị các nhà đầu tư kiên nhẫn chờ đợi những phiên rung lắc điều chỉnh kiểm tra lại khu vực hỗ trợ thay vì mua đuổi giá cao khi thị trường đang tăng điểm mạnh, đồng thời có thể chú ý hơn đến các nhóm cổ phiếu thuộc ngành chứng khoán, bán lẻ và thép.
Mở vị thế mua
Chứng khoán KIS
Thị trường chứng khoán duy trì phiên tăng điểm với thanh khoản vẫn được cải thiện trong phiên. Thêm vào đó, thị trường kỳ vọng rằng tỷ lệ lạm phát sắp tới của Mỹ sẽ diễn biến tích cực.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 0,96% lên mức 1.149 điểm trong khi VN30-Index cũng tăng 1,22% lên mức 1.143 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 846 triệu cổ phiếu/18.377 tỷ đồng, tăng tương ứng 15% và 18% so với trung bình 5 phiên gần nhất.
Thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng cùng với thanh khoản tiếp tục cải thiện trong phiên. Hơn thế nữa, chỉ số VN-Index thành công vượt ngưỡng kháng cự quan trọng 1.140 điểm, cho thấy tín hiệu tăng trưởng. Do đó, nhà đầu tư nên mở vị thế mua.
Kỳ vọng đặt tại vùng cản 1.16x
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index mở gap đầu phiên, tăng tích cực giữa phiên trước khi cho tín hiệu suy yếu và đánh mất phần nhiều thành quả tăng điểm về cuối phiên.
Áp lực chốt lời gia tăng mạnh quanh vùng kháng cự 1.15x cùng với sự hình thành của mẫu nến "inverted hammer" trong bối cảnh nhiều chỉ báo kỹ thuật đang trên vùng quá mua cho thấy rủi ro xuất hiện nhịp điều chỉnh trong những phiên tới. Mặc dù vậy, xu hướng tăng của
chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục được bảo lưu với vùng đích kỳ vọng tiếp theo đặt tại xung quanh vùng cản 1.16x.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chốt lời từng phần quanh vùng kháng cự đáng lưu ý và chỉ kê mua một phần tỷ trọng trong các phiên điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ sau đó.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.