Xu thế chứng khoán tuần 10-14/7: Rung lắc là điều chắc chắn xảy ra

VN-Index ghi nhận 1 tuần rung lắc với biên độ rộng quanh khu vực 1.120 - 1.140. Sự phục hồi diễn ra tốt ở những phiên đầu tuần nhưng liên tục gặp áp lực bán ngay khi tiếp cận lại vùng kháng cự mạnh và bất ngờ đảo chiều lấy lại sắc xanh vào phiên cuối tuần để tiếp tục duy trì nhịp tăng điểm….

Chứng khoán tuần giao dịch đầu tháng 7, đầu quý 3/2023 với khá nhiều cảm xúc và mức độ biến động mạnh khi 2 phiên đầu tăng điểm lên vùng kháng cự quanh 1.140 điểm với thanh khoản thấp dẫn đến áp lực bán khá mạnh đột ngột trong 2 phiên tiếp theo về vùng hỗ trợ 1.120 điểm. Phiên giao dịch cuối tuần VN-Index tăng điểm mạnh để kết thúc tuần ở mức 1.138,07 điểm, tăng 1,60% so với tuần trước. Ngược lại HNX-Index giảm 0,66% so với tuần trước về mức 225,66 điểm.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 77.623,64 tỷ đồng, giảm 6,3% với khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn, duy trì trên mức trung bình với áp lực bán ở nhóm mã có tính chất đầu cơ, nhóm bất động sản, dịch chuyển gia tăng nhiều ở nhóm mã cơ bản tốt hơn. Thanh khoản HNX giảm 2,2% với 8.061,59 tỷ đồng được giao dịch. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ trọng giao dịch, trong đó bán ròng tuần thứ ba liên tiếp, giá trị bán ròng mạnh hơn với 1.856,6 tỷ đồng trong đó riêng phiên cuối tuần bán ròng 1.400 tỷ đồng, bán ròng trên HNX với giá trị 10,87 tỷ đồng.

Thị trường đón nhận những thông tin tích cực, kém tích cực đan xen phần nào ảnh hưởng đến biến động mạnh như PMI tháng 6 đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm.

Hiện Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% trong năm nay và Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Thị trường xuất nhập khẩu lớn Trung Quốc có Chỉ số Caixin/S&P tháng 6/2023 rơi xuống mức 50,5 điểm từ mức 50,9 điểm của tháng 5/2023. Cho thấy Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc tháng 6/2023 tăng trưởng chậm hơn.

Điểm nhấn trong tuần qua là nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán nổi bật là cổ phiếu VND (-6,35%) có phiên giao dịch khối lượng đột biến (105,8 triệu cổ phiếu) phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, và APS (-19,54%)... trong khi các mã khác đa số vẫn có diễn biến khá tích cực như VCI (+11,48%), VDS (+9,89%),MBS (+7,03%), BSI (+6,79%), BVS (+6,38%)...

Các cổ phiếu nhóm bất động sản đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình trong tuần này với CEO (-6,72%), L14 (-6,27%), NLG (-3,18%), NVL (-2,36%)... ngoài ra nhiều mã vẫn phục hồi tốt với thanh khoản cải thiện như ITC (+6,25%), NHA (+5,65%), LGL (+4,91%), TDC (+3,53%)....

Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su lại có diễn biến tích cực như DTD (+13,13%), PHR (+9,91%), GVR (+9,54%), D2D (+8,58%), SZC (+7,55%)... Các cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ cũng có diễn biến tăng giá tích cực, với thanh khoản đột biến DGW (+10,58%), PET (+6,73%), FRT (+5,03%), MWG (+5,08%)...

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng phân hóa hơn, tích cực nhất là SHB (+8,00%) trước thông tin bán vốn và chia cổ tức, NAB (+7,98%), LPB (+6,27%), VCB (+5,00%)... ngoài các mã điều chỉnh như NVB (-8,50%), EIB (-4,71%), TCB (-2,47%), ACB (-1,59%)...

Chỉ số VN-Index ngày 7/7

Chờ tín hiệu tiếp theo

Chứng khoán KIS

Mặc dù thị trường điều chỉnh đáng kể nhưng VN-Index vẫn duy trì trên các ngưỡng kháng cự quan trọng như 1.120 điểm và 1.100 điểm. Xu hướng tăng vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên cần thêm tín hiệu để xác nhận lại cho xu hướng này. Do đó, nhà đầu tư nên giữ vị thế hiện tại trong danh mục và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo.

Chốt lời từng phần

Chứng khoán KB Việt Nam

VN-Index diễn biến giằng co trong phiên trước khi tăng điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên. Lực cầu bắt đáy một lần nữa tăng mạnh quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.120 điểm và giúp cho chỉ số hình thành mẫu nến engulfing tích cực trong phiên hôm nay.

Mặc dù cơ hội hồi phục và mở rộng đà tăng điểm của chỉ số vẫn tiếp tục để ngỏ, áp lực điều chỉnh sẽ sớm quay trở lại khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự đáng lưu ý quanh 1.140-1.145 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị chốt lời từng phần tại với các cổ phiếu đang tiếp cận các vùng kháng cự đáng lưu ý và chỉ kê mua trở lại một phần tỷ trọng trong các phiên điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ sau đó

Kiểm tra lại vùng 1.140-1.145

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường hồi phục với một phiên tăng điểm khá mạnh và đóng nến cao nhất phiên. Tuy nhiên, thanh khoản chưa được cải thiện nhiều, cho thấy dòng tiền hỗ trợ vẫn chưa mạnh. 

Dự kiến, thị trường sẽ hướng tới kiểm tra lại cung cầu tại vùng 1.140 – 1.145 điểm của VN-Index, tạm thời vùng này vẫn có thể gây áp lực cung lớn đến thị trường.

Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái của thị trường. Đồng thời cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.

Đề cao quản trị rủi ro

Chứng khoán VNDirect

VN-Index đã có phiên điều chỉnh 8 điểm tiệm cận MA20. Khác với lần kiểm định MA20 trước, thanh khoản có dấu hiệu đột biến giúp chỉ số rút chân nhẹ vào cuối phiên. Phiên giao dịch ngày 6/7 vẫn tính là một phiên phân phối và thị trường đã có tổng cộng 4 phiên phân phối trong vòng 1 tháng qua. 

Bối cảnh hiện tại cho thấy các nhà đầu tư cần đề cao quản trị rủi ro, có phương pháp cắt lỗ và chốt lời chủ động hợp lý. Đặc biệt các nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin quá cao. Hỗ trợ của VN-Index tại 1.120, kháng cự tại 1.140.

Xác suất cao có nhịp điều chỉnh mạnh

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, lực cầu đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VN-Index hình thành nến xanh tăng điểm vào phiên cuối tuần, tiếp cận lại khu vực đỉnh 1.140. Ở cả hai khung đồ thị ngày và giờ, 2 chỉ báo RSI đều bẻ ngang và có xu hướng quay trở lại hướng lên tích cực.

Tuy nhiên, hiện tại vùng điểm 1.140 vẫn đang là mốc kháng cự mạnh trong ngắn hạn và điểm số chung chủ yếu được cải thiện nhờ những cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động trực tiếp. Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn cần phải có phiên tăng điểm với lực cầu tốt để bứt phá ra khỏi vùng kháng cự và hướng lên khu vực 1.170. Ngược lại, nếu áp lực bán một lần nữa gia tăng trở lại ở vùng điểm tâm lý thì xác suất cao thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh mạnh hơn. 

Khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế giải ngân khi thị trường vẫn nằm trong vùng nhạy cảm và chưa rõ xu hướng.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định 

Có thể bạn quan tâm