Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu

Cùng với việc tích cực triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong thời gian qua các ngân hàng cũng tích cực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, sự nỗ lực này có thể đang bị “đe dọa” bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ 2.
Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu

Tính đến thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ năm 2019, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Như vậy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn đã làm gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nguy cơ nợ xấu. Các chuyên gia cũng dự báo, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.

Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu qua hình thức đấu giá, tài sản rao bán khá đa dạng, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang… Tuy vậy, việc rao bán nợ xấu ngày càng khó khăn, dù giảm giá mạnh nhưng lượng người mua không nhiều. Thực tế này dẫn đến tình trạng, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ đầu năm đến nay, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã và đang tăng lên, nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến năng lực trả nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn.

Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó thì nợ xấu chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa.

TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, hiện còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đó là thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, phối hợp của cơ quan thi hành án, nhất là sự vào cuộc của các sở, ban, ngành địa phương chưa quyết liệt.

Đáng chú ý, nhiều khách hàng có dấu hiệu lợi dụng bối cảnh Covid-19 để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các tổ chức tín dụng khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm còn rất khó khăn. Do đó, thời điểm này, trong khi nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm, tình hình nợ xấu mới có nguy cơ tăng cao lại càng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan công an, chính quyền địa phương.

Có thể bạn quan tâm