Ông Mats Granryd, Tổng giám đốc GSMA cho hay, mặc dù mạng 4G vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trên khắp khu vực châu Á song các nhà mạng trong khu vực hiện đang đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án phát triển mạng lưới 5G tiên tiến nhằm cung cấp một loạt dịch vụ mới cho khách hàng, cải thiện ngành công nghiệp - chế tạo cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán, đến năm 2025, khoảng 18% kết nối di động của khu vực Châu Á sẽ được vận hành trên hệ thống mạng 5G. Trong khi đó, công nghệ di động 4G sẽ chiếm gần 70% kết nối tại châu Á vào năm 2025, tăng so với mức 52% của năm 2018.
Là nước dẫn đầu trong triển khai ứng dụng 5G, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 184 tỷ USD để phát triển mạng 5G vào năm 2025. Trung Quốc hiện đang thử nghiệm mạng 5G tại các thành phố lớn và các tỉnh trên cả nước, trong đó có Thượng Hải, trước khi ra mắt thương mại vào năm tới. Dự kiến, khoảng 28% kết nối di động của Trung Quốc sẽ hòa mạng 5G vào năm 2025, chiếm hơn 30% tổng kết nối 5G trên toàn cầu.
“Báo cáo cũng cho rằng, các nhà điều hành di động Châu Á sẽ đầu tư 370 tỷ USD để xây dựng mạng lưới 5G trong giai đoạn 2018-2025, chiếm 2/3 tổng nguồn vốn đầu tư của họ vào các mạng lưới mới.
Sự phát triển của các công nghệ di động sẽ thúc đẩy kinh tế của khu vực Châu Á. GSMA dự báo các công nghệ và dịch vụ di động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tạo ra 1.900 tỷ USD vào năm 2023, tăng so với 1.600 tỷ USD (tương đương 5,3% GDP) trong năm 2018.
Năm 2018, hệ thống sinh thái di động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tạo hơn 18 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời đóng góp 165 tỷ USD tiền thuế vào ngân sách.
GSMA là hiệp hội đại diện cho lợi ích của các nhà điều hành di động trên thế giới, quy tụ hơn 750 nhà điều hành mạng với gần 400 công ty trong hệ sinh thái di động, bao gồm có các nhà sản xuất thiết bị và thiết bị cầm tay, các công ty phần mềm, nhà cung cấp thiết bị và các công ty Internet.
>> 5G sẽ thay đổi tương lai ngành nông nghiệp như thế nào?