Về đất nền, nguồn cung mới trong tháng vẫn ở mức thấp khi ghi nhận mức giảm lần lượt là 84% và 43% so với cùng kỳ năm trước và tháng trước. Nguồn cung mới tập trung tại khu vực Bình Dương, các tỉnh thành còn lại không ghi nhận nguồn cung mới.
Đặc biệt, lượng tiêu thụ mới của thị trường đất nền vẫn ở mức thấp với mức giảm đến 88% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 8 - 10% so với lần mở bán trước đó, các chính sách chiết khấu, cam kết lợi nhuận… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Thị trường thứ cấp cũng không có nhiều biến động so với tháng trước, mức giảm tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có giá trị cao, nhóm dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý… thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình.
Đối với căn hộ, nguồn cung mới ghi nhận giảm 23% so với tháng trước, nhưng tăng 27% so với cùng kỳ. Theo đó, nguồn cung mới tập trung tại TP.HCM, các tỉnh giáp ranh không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong tháng. Tại TP.HCM nguồn cung mới chủ đạo là phân khúc căn hộ hạng B tại khu Tây với mức giá dao động phổ biến từ 52 - 57 triệu đồng/m2 (gồm VAT).
Báo cáo của DKRA cho biết, thị trường căn hộ vẫn như các tháng trước, những chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Mặt bằng giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng nhanh chóng tạo niềm tin nơi người mua.
Cũng không khả quan hơn đất nền và căn hộ, loại hình nhà phố, biệt thự có nguồn cung mới sụt giảm đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, thị trường ghi nhận mức giảm lần lượt là 29% và 88% . Khu vực Bình Dương là tỉnh chủ đạo nguồn cung mới, các khu vực còn lại như TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Còn về sức cầu thị trường ở mức rất thấp, các giao dịch phát sinh ở các dự án đã mở bán trước đó. Thị trường sơ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 3 - 7% so với cùng kỳ năm 2022, các chính sách chiết khấu, ưu đãi, hỗ trợ ngân hàng… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Mặt bằng giá thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước, thanh khoản thị trường ở mức trung bình.
Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn trượt dài trên đường băng. Cụ thể, biệt thự nghỉ dưỡng nguồn cung tăng nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn ở mức rất thấp, chỉ tương đương 27% so với cùng kỳ năm 2022. Miền Bắc tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, trong khi đó miền Nam và miền Trung không ghi nhận dự án mở bán mới trong tháng.
Hiện, sức cầu thị trường biệt thự nghỉ dưỡng khiêm tốn, lượng tiêu thụ bằng 33% so với cùng kỳ. Thanh khoản sụt giảm đáng kể, hơn 80% dự án sơ cấp đóng giỏ hàng để điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng.
“Thị trường tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giao dịch còn khá trầm lắng, du lịch phục hồi chưa như kỳ vọng cũng như áp lực đáo hạn trái phiếu những tháng cuối năm vẫn còn nan giải”, báo cáo của DKRA nêu.
Trong khi đó, nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong tháng qua. Nhiều dự án trong khu vực liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do chưa đạt lượng booking như kỳ vọng. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng giao dịch khiêm tốn, tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có pháp lý hoàn thiện với mức giá dao động dưới 15 tỷ đồng/căn.
Về condotel, nguồn cung mới giảm đáng kể, tương đương 54% so với tháng trước và bằng 12% so với cùng kỳ. Sức cầu giảm mạnh, thanh khoản ở mức thấp, lượng tiêu thụ ghi nhận giảm hơn 90% so với tháng trước và giảm xấp xỉ 98% so với cùng kỳ.
Theo DKRA, những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ, du lịch chưa khởi sắc như kỳ vọng, mặt bằng giá bán neo ở mức cao trong khi sức cầu chưa cải thiện là những nguyên nhân chính khiến thị trường tiếp tục gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.