Becamex IDC chốt ngày lên sàn HoSE

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) vừa thông báo ngày 31/8/2020 là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu BCM trên HoSE với giá tham chiếu là 28.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa 28.980 tỷ đồng (khoảng 1,26 tỷ USD).

Trước đó, toàn bộ 1,035 tỷ cổ phiếu BCM đã giao dịch phiên cuối cùng trên UPCoM và hủy đăng ký giao dịch từ ngày 20/8. Trên thị trường, cổ phiếu BCM có nhịp tăng mạnh hơn 80% từ cuối tháng 3 qua đó kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM ở mức 30.100 đồng/cổ phiếu.

Với mức vốn hóa như hiện tại, Becamex IDC sẽ “vượt mặt” HDBank (mã: HDB, vốn hóa 26.340 tỷ dồng) và PV Power (mã: POW, vốn hóa 23.419 tỷ đồng) để xếp thứ 23 trong số các doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Thời gian gần đây, làn sóng chuyển sàn diễn ra ngày càng rầm rộ khi nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn đã và đang có kế hoạch “đổ bộ” lên HoSE. Trước BCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR), Vietnam Airlines (mã: HVN) và PV Power đều đã chuyển từ UpCOM sang HoSE. Bên cạnh đó, hai “đại gia” ngành ngân hàng trên HNX là ACB và SHB cũng đều có kế hoạch chuyển niêm yết sang HoSE trong thời gian tới.

Tổng công ty Becamex IDC là chủ đầu tư nhiều khu công nghiệp và khu đô thị lớn như khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Mỹ Phước 1,2,3 và khu công nghiệp Bàu Bàng và các khu đô thị vệ tinh, kết hợp với việc đầu tư các tuyến đường như đường Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân Vạn,…

Theo bản cáo bạch, Becamex có 10.456 ha đất khu công nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp khác trong ngành như Tập đoàn Cao su Việt Nam có khoảng 5.928ha, Sonadezi khoảng 5.325ha.

Dù vậy, trong giai đoạn 2020 - 2021, Becamex xác định kế hoạch kinh doanh đều giảm so với các năm trước do tác động của dịch bệnh và dự báo kéo dài, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2020, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu 6.016 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng, giảm lần lượt 40% và 65% so với thực hiện năm trước.

Báo cáo hợp nhất quý II/2020 của Becamex ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.254 tỷ đồng, giảm 38,5%, lợi nhuận đạt 248 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Becamex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2,484 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lãi ròng giảm 55%, còn hơn 533 tỷ đồng.

Những khoản nợ "khổng lồ"

Đồng hành cùng khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng là những khoản vay nợ cũng xứng tầm “ông lớn” của Becamex IDC. Xét riêng dư nợ tại các nhà băng, tính đến ngày 30/6/20 2020, Becamex IDC đang vay ngắn hạn ngân hàng tổng cộng 4.387 tỷ đồng và thêm vào đó là 3.123 tỷ đồng dài hạn. Đặc biệt, Tổng công ty còn huy động gần 6.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính khác thông qua việc phát hành trái phiếu.

Chủ nợ lớn nhất hiện nay của Becamex IDC là BIDV chi nhánh Bình Dương với dư nợ khoảng gần 5.000 tỷ đồng cả ngắn và dài hạn, chiếm 66,5% tổng nợ vay ngân hàng của Tổng công ty. Đồng thời đây cũng là đơn vị “ôm” tới 2.149 tỷ đồng trái phiếu của Becamex IDC.

Vậy, điều gì đã khiến các định chế tài chính có thể mạnh dạn cấp những khoản tín dụng khổng lồ vừa nêu cho Becamex IDC?

Mục đích vay vốn, tư cách vay vốn, phương án sử dụng vốn, khả năng trả nợ… - đều là những yếu tố không thể thiếu mà các nhà băng cần thiết phải xem xét trước khi thông qua quyết định giải ngân. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hình thức đảm bảo tiền vay, hay còn gọi là tài sản đảm bảo.

Chủng loại tài sản thế chấp cũng khá đa dạng từ quyền kinh doanh và khai thác dự án, hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, quyền thu cổ tức, tài sản hình thành từ vốn vay… đến các khoản thu theo hợp đồng kinh tế. Đặc biệt, không thể thiếu trong số đó là các quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Chẳng hạn như để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn tại BIDV Bình Dương, ngoài việc thế chấp quyền kinh doanh và khai thác dự án khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Becamex IDC còn phải “các” thêm quyền sử dụng 140.116,8 m2 đất ở Khu Thành phố mới Bình Dương (định giá 1.541.000 triệu đồng), quyền sử dụng 77.859,7 m2 đất dịch vụ tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An (định giá 269.390 triệu đồng), quyền sử dụng 991.743,2 m2 đất tại Lai Uyên, huyện Bến Cát (định giá 1.090.883 triệu đồng).

Thống kê của thuonggiaonline.vn căn cứ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Becamex IDC cho thấy, doanh nghiệp đang thế chấp, cầm cố tổng cộng hơn 5.000.000 m2 quyền sử dụng đất tại các ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay, phát hành trái phiếu cũng như cam kết bảo lãnh phát hành trái phiếu  của các công ty con.

Có thể bạn quan tâm