“Bí ẩn” khoản nợ phát sinh liên quan đến Tencent của VNG

Năm 2017, CTCP VNG (Vinagame) ghi nhận khoản nợ mới có giá trị hơn 70,6 tỷ đồng với với Seasun Games Corporation Limited.

Được biết, Seasun Games Corporation Limited là một công ty giải trí game, thuộc sở hữu của Tập đoàn Seasun. Trước đó, Tencent đã chi đến 142 triệu USD để mua thành công 9,9% cổ phần Seasun.

Tencent Holdings Limited xuất hiện với tư cách là ‘bên liên quan’ đến Vinagame. Theo đó, doanh nghiệp phải trả Tencent gần 1,7 tỷ đồng phí tư vấn kỹ thuật.

Tencent Holdings Limited là tập đoàn công nghệ khổng lồ có nguồn gốc từ Trung Quốc và đang nắm giữ một phần không nhỏ cổ phần VNG.

Theo một báo cáo cổ đông của Tencent thì “phần không nhỏ cổ phần” này là 30,2%.

 “Yếu nhân” của Tencent – ông Martin Lau Chi Ping – hiện là một trong 5 cái tên trong HĐQT của VNG. Trong khi, Johnny Shen Hao – một cái tên gốc Tencent khác – hiện cũng đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực VNG.

Theo thông báo mới nhất từ VNG, hiện có 6 cổ đông nước ngoài đang đầu tư vốn tại đây. Đó là các nhà đầu tư gồm quỹ, doanh nghiệp và cá nhân đến từ Singapore, Luxembourg, Trung Quốc, Mỹ, Canada và quần đảo British Virgin Islands (BVI) thuộc Anh. Các cổ đông này đang chiếm 44,64% cổ phần của VNG.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2017, VNG đạt gần 4.267 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 41,4% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 938 tỷ đồng, tăng 72,6% so với năm 2016.

Sở dĩ lợi nhuận của VNG tăng trưởng vượt bậc là bởi 12/16 công ty còn của VNG đều báo lãi trong năm 2017. Trong đó, Công ty TNHH phát triển phần mềm VNG lãi lớn nhất hơn 227,3 tỷ đồng.

Các công ty thành viên của VNG lỗ gồm có Công ty CP Dịch vụ mạng Vi Na lỗ 1,1 tỷ đồng; Công ty CP Zion lỗ hơn 21 tỷ đồng; VNG Singapore Pte. Ltd lỗ hơn 365 triệu đồng.

Đáng kể nhất là Công ty CP Tiki (Tiki) lỗ đến hơn 282,2 tỷ đồng. Khoản lỗ này của đã gấp 3 lần vốn điều lệ của Tiki. Phần lỗ mà VNG ghi nhận theo tỷ lệ sở hữu 38% trong năm 2017 là 282 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với mức lỗ năm 2016.

Được biết, Vinagame đã đầu tư vào Tiki hơn 384,4 tỷ đồng kể từ năm 2016, tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động Tiki báo lỗ tổng cộng hơn 320 tỷ đồng. Theo đó, giá trị khoản đầu tư vào trang thương mại điện tử này của VNG tính tới cuối năm 2017 chỉ còn 61 tỷ đồng

Theo BCTC kiểm toán năm 2017 của VNG, Tiki đang vay Vinagame hơn 21,5 tỷ đồng. Điều này đã phát sinh Tiki phải trả thêm tiền lãi hơn 5,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cũng đang nợ VNG 249,6 tỷ đồng và 24,2 tỷ đồng lãi vay tính đến hết năm 2017. So với thời điểm cuối năm 2016, là 250,1 tỷ đồng, thì quy mô vay đã giảm 500 triệu đồng.

Đây là khoản vay từ ngày 11/9/2012, với lãi suất 3,58%/năm, không có tài sản thế chấp và đáo hạn vào ngày 7/4/2018.

Tại BCTC hợp nhất năm 2016, khoản nợ của Chủ tịch Lê Hồng Minh có thời hạn là 8/4/2017.  Còn trong báo cáo quý II/2017 thì ông Minh đề xuất VNG gia hạn thêm cho ông đến 8/10/2017. Tuy nhiên, đến báo cáo hợp nhất quý IV/2017 (phát hành ngày 30/1/2018), VNG lại ghi nhận ngày đáo hạn là ngày 7/4/2018.

Đã quá ngày đáo hạn, không rõ khoản nợ này của ông Minh đã được thanh toán hay chưa, nhưng không loại trừ khả năng, VNG sẽ lại tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ.

Vì VNG không thuyết minh chi tiết, nên chưa rõ ông Minh đã vay công ty số tiền trên cho mục đích gì và tại sao lại với thời hạn lâu (và lại liên tục được gia hạn) như vậy.

Có thể đây là một khoản vay cá nhân đơn thuần, nhưng cũng có thể là bản chất của một thương vụ ủy thác đầu tư. Tất nhiên, đây chỉ là dự đoán, và có thể không chính xác.

>> Tiki sắp "đốt" hết 384 tỷ đầu tư của VNG

Có thể bạn quan tâm