Tập đoàn đang lên kế hoạch bán toàn bộ danh mục đầu tư bất động sản có tổng giá trị sổ sách đạt hơn 20 tỉ nhân dân tệ, tương đương 3,2 tỉ USD.
Gần 100 dự án đang được rao bán, trong đó có tòa nhà văn phòng, khách sạn, các căn hộ dân cư, cơ sở công nghiệp. Các bất động sản này phần lớn tọa lạc tại những thành phố lớn ở Trung Quốc, một vài bất động sản thì ở châu Âu và Mỹ, chẳng hạn như căn hộ tại tòa Trump World Tower ở Manhattan, New York (Mỹ).
CEFC bị kiểm soát chặt hơn trong những năm gần đây vì các thỏa thuận tham vọng trong ngành tài chính, năng lượng trên khắp Đông Âu, Trung Đông và Nga. Hãng vừa làm theo chiến thuật của nhiều công ty Trung Quốc từng hăng hái thâu tóm, sáp nhập trong quá khứ, trong đó có HNA Group và Anbang Insurance Group. Các công ty này đang nhanh chóng bán bớt tài sản sau khi bị kiểm soát.
Các chủ nợ của CEFC mà dẫn đầu là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc thành lập một ủy ban để xem xét các tài sản được thanh lý. Chính quyền Thượng Hải vừa thì vừa nắm quyền kiểm soát công ty.
Trong số những tài sản đang được thanh lý có trụ sở chính là CEFC Mansion ở trung tâm Thượng Hải, với thiết kế kiểu cung điện phương Tây. Các bất động sản còn lại bao gồm tòa tháp Shanghai Tomorrow Tower, một vài tầng trong Trung tâm hội nghị và triển lãm Hồng Kông, nhiều biệt thự, căn hộ cao cấp trên khắp Đại lục. Bất động sản ở nước ngoài thì tọa lạc tại Mỹ, Cộng hòa Séc, Georgia.
Năm ngoái, CEFC gây chú ý đặc biệt sau khi đồng ý mua 9 tỉ USD cổ phần trong hãng năng lượng quốc doanh Nga Rosneft. Động thái này làm dấy lên câu hỏi về nguồn gốc, vốn và khả năng có liên kết với đảng Cộng sản Trung Quốc của CEFC.