Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa các nhà lãnh đạo Armanian, Azerbaijan và Nga tháng 11/2020, các cuộc xung đột hỏa lực diễn ra thường xuyên trên nhiều khu vực biên giới.
Vụ đấu súng đầu tiên bắt đầu vào ngày 12/5. Bộ Quốc phòng Armenia thông báo, các lực lượng vũ trang Azerbaijan đã cố gắng sử dụng hỏa lực để "làm rõ vùng biên giới" trong khu vực Syunik. Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan tuyên bố theo một số "nguồn tin không chính thức", Baku có kế hoạch kích động các cuộc đụng độ quân sự ở Nagorno-Karabakh và trên tuyến biên giới với Armenia. Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp giao ban chung với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.
Sputnik Armenia dẫn lời ông Pashinyan phát biểu: “Theo thông tin nhận được từ các nguồn không chính thức, Azerbaijan có ý định kích động các cuộc xung đột quân sự mới ở Artsakh và trên biên giới với Armenia, tình hình ở biên giới với Nakhichevan là minh chứng rõ ràng cho những thông tin này”.
Ngày 17/7, Bộ Quốc phòng Azerbaijan ra thông cáo báo chí về một cuộc pháo kích và sử dụng hỏa lực bộ binh từ chiến tuyến của quân đội Armenia vào các vị trí của quân đội Azerbaijan dọc theo toàn bộ chiều dài biên giới hai nước.
“Ngày 16/7, từ 20:40 đến 22:30, các đơn vị của lực lượng vũ trang Armenia từ các vị trí trên địa phận làng Yukhary, Shorja, quận Basarkechar, khoảng 01:00 ngày 17/7 từ hướng làng Mosesgeh, quận Berd, sử dụng hỏa lực bắn phá vào các vị trí của Quân đội Azerbaijan theo hướng làng Istisu, quận Kelbajar và làng Aghdam, quận Tovuz”.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết thêm, cùng ngày 17/7 lúc 08:30, các đơn vị lực lượng vũ trang Armenia đóng gần làng Aradeyen trong vùng Vedic bắn vào chiến tuyến của Quân đội Azerbaijan theo hướng quận Sadarak của Nước cộng hòa Tự trị Nakhichevan, với các loại vũ khí cỡ nòng khác nhau.
Lực lượng Azerbaijan cũng sử dụng hỏa lực bộ binh đánh trả. Không có thông tin về thương vong nhân sự.
Bộ Quốc phòng Armenia cũng ra tuyên bố cáo buộc quân đội Azerbaijan đã bắn vào chiến tuyến của Armenia gần làng Yeraskh.
“Sáng ngày 16/7, khoảng từ 11:00 am, các đơn vị Lực lượng vũ trang Azerbaijan bắn phá chiến tuyến của quân đội Armenia trên tuyến biên giới Armenia-Azerbaijan gần làng Yeraskh (vùng Ararat, cách Yerevan 70 km), không có thương vong nhân sự,” thông cáo báo viết.
Trước đó, ngày 14/7, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo, lực lượng Azerbaijan pháo kích vào chiến tuyến của quân đội quốc gia này gần làng Yeraskh, một binh sĩ thiệt mạng.
Theo các nguồn tin địa phương Armenia, lãnh đạo chính quyền làng Yerash, Rudik Odikyan, đã bị thương trong cuộc pháo kích. Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố rằng các lực lượng Azerbaijan đã bắn súng cối vào lãnh thổ biên giới gần làng Yeraskh.
Báo cáo của Bộ quốc phòng Armenia cho biết: “ngày 19/7, hồi 18h40, các lực lượng vũ trang Azerbaijan pháo kích liên tiếp vào các vị trí phòng ngự của quân đội Armenia trên vùng biên giới gần làng Yeraskh trong nhiều giờ liền bằng các loại pháo và súng bộ binh có cỡ nòng khác nhau. Bộ máy lãnh đạo Azerbaijan phải chịu trách nhiệm về tình hình leo thang gần đây trong khu vực”.
Hai giờ sau khi vụ pháo kích diễn ra ở Yeraskh, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo, các lực lượng Armenia pháo kích vào quận Sadarak của nước Cộng hòa tự trị Nakhichevan.
“Ngày 19/7, lúc 20:50, các vị trí của Quân đội Azerbaijan trên hướng quận Sadarak của Cộng hòa tự trị Nakhchivan một lần nữa bị nã pháo với nhiều loại vũ khí cỡ nòng khác nhau từ lãnh thổ của Armenia. Không có thông tin về thương vong nhân sự” - thông cáo báo chí viết.
Tình hình trên vùng biên giới ngày càng xấu đi. Các cuộc đấu hỏa lực diễn ra hàng ngày, con số thương vong bắt đầu tăng. Trong bối cảnh leo thang căng thẳng, thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi Nga và CSTO ngăn chặn Azerbaijan và giải quyết tình hình.
Việc nối lại các hoạt động quân sự có thể trở thành cơ hội để Baku giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn ở Nagorno - Karabakh đồng thời cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực bằng nhiều hoạt động công khai và bí mật.
Trong tình huống xung đột, quân đội Azerbaijan, với sự giúp đỡ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm thánh chiến sẽ tiến công đè bẹp các lực lượng Armenia ở Karabakh và chiếm thêm nhiều vùng đất mới. Trong khi đó chính phủ Armenia của thủ tướng Nikol Pashinyan tiếp tục duy trì chính sách thân phương Tây. Nga dường như không sẵn sàng đưa ra lập trường quyết đoán hơn mà chỉ duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông và an ninh tại các trạm kiểm soát.
Thực tế, chính quyền Armenia đang đối mặt với một nguy cơ lớn.
Cuộc chiến Nagorno-Karabakh cho thấy, Mỹ và phương Tây không sẵn sàng và cũng không có ý định can thiệp vào xung đột khu vực này. Armenia rõ ràng cần Nga để bảo vệ vùng lãnh thổ Nagorno – Karabakh còn lại, nhưng lại thi hành chính sách bài Nga và xích lại gần hơn với phương Tây.
Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ không bỏ qua được cơ hội này và rất có thể, trong thời gian sắp tới, một vòng xung đột mới ở Nagorno – Karabakh sẽ bùng phát.