Bộ GTVT: Kiến nghị của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô là không chính xác

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, các kiến nghị của doanh nghiệp (DN) về Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô (VTA) và kiểm tra theo lô trong Nghị định 116 là không chính xác.
Bộ GTVT: Kiến nghị của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô là không chính xác

Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116

Từ đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116.

Trong văn bản gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT thừa nhận, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 116, hầu hết các DN FDI đều có phản ứng với các quy định liên quan đến Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô (VTA) và kiểm tra theo lô.

Các DN này đều cho rằng, không có cơ quan, tổ chức nào cấp ra loại giấy đó cho xe nhập khẩu vào Việt Nam và việc kiểm tra theo lô mất thời gian 2 tháng kèm chi phí lên đến 10.000 USD.

Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định: Thực tế, kết quả triển khai trong thời gian vừa qua lại cho thấy các kiến nghị trên là hoàn toàn không chính xác.

Về giấy chứng nhận kiểu loại ôtô (VTA), Hội đồng Chính sách ô tô Hoa Kỳ (AAPC) có nêu ra sự bất cập về quy định tại Nghị định 116, yêu cầu các DN phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô (VTA) được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài đối với ôtô khi xuất khẩu vào Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT cho biết: Việc DN nhập khẩu cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô (VTA) khi nhập khẩu là một trong các căn cứ ban đầu để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Trong đơn kiến nghị gửi lên Chính phủ Việt Nam, Hội đồng Chính sách ô tô Hoa Kỳ cho rằng, quy định về kiểm tra theo từng lô đang gây khó khăn cho DN, không phù hợp với thông lệ chung và kéo dài thời gian kiểm tra đến 2 tháng với chi phí lên tới 10.000 USD/mẫu thử.

Trả lời vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định: Việc kiểm tra thử nghiệm theo lô rất cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong trường hợp không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu nhập về Việt Nam hàng hóa kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu.

5 tháng đầu năm ô tô nguyên chiếc giảm 79% so với cùng kỳ

Chỉ có hơn 9.000 chiếc ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Con số này giảm tới 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 9.056 ô tô nguyên chiếc nhập vào Việt Nam 5 tháng qua có trị giá gần 248 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, trị giá trên giảm khoảng 71,5%.

Thị trường chính xuất khẩu ô tô vào Việt Nam vẫn là Thái Lan với hơn 7.200 xe, trị giá gần 150 triệu USD.

Một trong những điểm khiến giới kinh doanh ô tô nhập khẩu vướng là quy định phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ như: Bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ô tô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở nước ngoài;…

Giới kinh doanh cho rằng, những giấy tờ trên có phần khắt khe, ví dụ như giấy chứng nhận xuất xưởng bởi vốn dĩ giấy này chỉ cấp cho xe bán nội địa hoặc nhiều cơ quan thẩm quyền của nước sở tại không cấp loại giấy tờ này.

Có thể bạn quan tâm