Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư hạng mục hàng không dân dụng dự án Cảng hàng không Phan Thiết theo hình thức BOT.
Hội đồng do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận có Tờ trình về việc thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu từ năm 2014, đồng thời giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện.
Sau khi công bố danh mục dự án; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã lựa chọn và ký hợp đồng với nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Rạng Đông).
Đến ngày 29/8/2018, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E, do đó, dự án phải điều chỉnh tăng quy mô và tăng tổng mức đầu tư trên 10%.
Theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án phải thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi ký kết Phụ lục hợp đồng đối với các nội dung sửa đổi. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Vừa qua, ngày 5/4 Dự án sân bay Phan Thiết rộng 543 ha tại xã Thiên Nghiệp đã được Bộ Quốc phòng triển khai thi công.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo để hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án xây dựng sân bay Phan Thiết theo quy định, quyết tâm sẽ triển khai hoàn thành vào cuối năm 2022.
Trước đó, làm việc tỉnh Bình Thuận hôm 5/3, thượng tướng Trần Đơn cho biết vướng mắc lớn nhất của dự án là vốn nay đã được giải quyết. Trước đây, phải chờ đấu giá sân bay Nha Trang cũ để lấy nguồn vốn đầu tư sân bay Phan Thiết. Nhưng sau đó, Thủ tướng đồng ý đầu tư xây sân bay này theo hình thức đầu tư công.
Sân bay Phan Thiết khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp Phan Thiết trở nên gần gũi hơn với du khách miền Bắc vốn yêu thích du lịch tại các vùng biển miền Trung. Ngày 5/1 vừa qua, sân bay Long Thành (Đồng Nai) chỉ cách Bình Thuận hơn 1 giờ di chuyển cũng đã khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2025. Hệ thống sân bay sẽ giúp nâng cao tỷ lệ khách đến với Bình Thuận, thúc đẩy kế hoạch đưa Bình Thuận thành điểm đến du lịch số 1 khu vực và thế giới.
Sân bay Phan Thiết có công suất 2 triệu hành khách một năm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Phan Thiết là cảng hàng không cấp 4E, tổng diện tích 546 ha, với một đường băng 3.050m (cấp 4C chỉ 2.400m) và nay thêm một đường băng dự phòng. Sân bay có chức năng là sân bay dùng chung quân sự và dân dụng, có hoạt động bay quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.