Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” khi tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế, đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn.

Tại hội nghị, Thủ tướng mong muốn được lắng nghe các ý kiến thảo luận về giải pháp đạt mục tiêu nói trên, trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, nhằm "mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Trong khuôn khổ của hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…

Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới.

Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng, nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD (khoảng 30 - 50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.

Điển hình như Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm. Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.

“Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng trong Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Cụ thể, Việt Nam có quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương; Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử.

“Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron; Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 2 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

“Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế và xã hội chưa từng có, nhưng thời gian là vấn đề cốt yếu.

“Chính phủ Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm

Việt Nam sẽ "cho ra lò" khoảng 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn

Việt Nam sẽ "cho ra lò" khoảng 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cả về chất lượng và số lượng...

Có thể bạn quan tâm

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Năm 2024 thực sự là một năm bội thu đối với cổ đông Masan Consumer với những bước tiến vượt bậc, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng mà còn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các nhà đầu tư...

GS.TS. Phạm Hùng Việt giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ về giá trị khoa học và tính ưu việt của các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc

Cần sự chung tay nhiều bên để tài sản trí tuệ đi vào cuộc sống

“Chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc tạo ra giá trị bền vững từ tri thức. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ”...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...