Cần sự chung tay nhiều bên để tài sản trí tuệ đi vào cuộc sống

“Chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc tạo ra giá trị bền vững từ tri thức. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ”...

Nhận định này được đa số các đại biểu đưa ra tại hội nghị “Chuyển giao, thương mại hóa tài sản trí tuệ từ trường đại học” do Trung tâm Chuyển Giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 27/11.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, sự kiện không chỉ là dịp để chia sẻ các kết quả nghiên cứu và sáng chế có tính ứng dụng cao, mà còn là cơ hội để kết nối cộng đồng khoa học với thị trường, để tài sản trí tuệ không chỉ nằm trên lý thuyết mà thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội.

“Tôi tin rằng, với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu, đại diện doanh nghiệp, và các đơn vị hỗ trợ, chúng ta sẽ xây dựng nên những cầu nối hiệu quả giữa nghiên cứu và thực tiễn, từ đó đưa các sáng chế từ phòng thí nghiệm trở thành những sản phẩm có giá trị trên thị trường”, PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng, chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ là động lực cốt lõi để phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý, thực tế triển khai tại Việt Nam vẫn gặp không ít thách thức. Điển hình như hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thiếu các mô hình quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả, hạn chế trong năng lực thương mại hóa và đặc biệt là thiếu nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.

“Chìa khóa để vượt qua những rào cản này là sự liên kết mạnh mẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, cơ chế khuyến khích hợp lý và hệ sinh thái hỗ trợ hoàn chỉnh”, TS. Phạm Đức Nghiệm nhận định.

Tại sự kiện, GS.TS. Phạm Hùng Việt đã giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ tâm huyết của mình về giá trị khoa học và tính ưu việt của các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc.

Ngay sau phần giới thiệu, công trình của GS.TS. Phạm Hùng Việt đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA, một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dược liệu tự nhiên. Đại diện PQA đánh giá cao tiềm năng thương mại hóa của các bài thuốc dân gian này và bày tỏ mong muốn hợp tác để phát triển sản phẩm thành các dòng dược phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu điều trị các bệnh lý về gan và mật.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã chứng kiến việc ra mắt hai dự án nổi bật của các doanh nghiệp spin-off, được hình thành từ các nghiên cứu và sáng tạo khoa học tại các trường đại học và viện nghiên cứu, với sự hỗ trợ từ Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia hà Nội. Cả hai dự án đều thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn. Đây là minh chứng rõ ràng cho khả năng chuyển giao và thương mại hóa tài sản trí tuệ thành các sản phẩm có giá trị thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Năm 2024 thực sự là một năm bội thu đối với cổ đông Masan Consumer với những bước tiến vượt bậc, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng mà còn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các nhà đầu tư...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...