Ngăn chặn đầu tư, cấm xuất khẩu công nghệ
Theo tờ Wall Street Journal, 2 biện pháp nói trên nhằm đối phó với chiến dịch “Made in China 2025” - sáng kiến của Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ, trong đó đẩy mạnh các ngành công nghiệp như robot, ôtô chạy bằng năng lượng sạch và hàng không vũ trụ. Chính quyền Mỹ dự định cấm các công ty có ít nhất 25% sở hữu của Trung Quốc mua doanh nghiệp có liên quan đến “công nghệ quan trọng về mặt công nghiệp” của Mỹ. Giới hạn về tỉ lệ sở hữu của Trung Quốc thậm chí có thể thấp hơn nữa. Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố rằng, kế hoạch chi tiết về chủ trương hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, cũng như hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc sẽ được công bố trước ngày 30.6.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, trong báo cáo dự kiến vào ngày 29.6, sẽ đề nghị đệ trình luật này lên Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). “Rõ ràng chính sách của Tổng thống Donald Trump hiện tại không phải về thâm hụt thương mại” - tờ SCMP dẫn lời ông Raymond Yeung - kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ ở Hong Kong - nói. “Những rủi ro an ninh có thể áp dụng trong mọi khía cạnh của quan hệ song phương, đặc biệt là hạn chế đầu tư” - ông Yeung nói.
Ông Mnuchin đã nghiên cứu kế hoạch này từ tháng 12 năm ngoái và mặc dù muốn có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, song cuối cùng đã bị thuyết phục bởi Tổng thống Donald Trump và các thành viên khác trong nội các sử dụng công cụ này nhằm giải quyết các nguy cơ an ninh quốc gia từ những hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Tờ SCMP ngày 24.6 cho hay, Trung Quốc không có kế hoạch nhằm vào các công ty Mỹ hoạt động ở nước này, nhưng những biện pháp bổ sung của Nhà Trắng có thể thay đổi kế hoạch đó.
Nguồn tin của Wall Street Journal nói, Mỹ dự kiến sử dụng Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp 1977 (IEEPA) để áp đặt các hạn chế đầu tư công nghệ đối với Trung Quốc. Đạo luật này cho phép tổng thống có quyền áp dụng một số biện pháp nhất định với 1 nước khác trong 1 “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, chính quyền Washington sẽ chỉ nhằm vào những thương vụ mới và sẽ không tìm cách phá bỏ những thương vụ đã hoàn tất. Cũng theo nguồn tin, kế hoạch hạn chế đầu tư sẽ không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Tác động tiêu cực
Một số quan chức lo ngại rằng, “tình trạng khẩn cấp quốc gia” có thể gây hại cho thị trường chứng khoán hoặc tổn hại cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. “Mỹ đã hưởng lợi lớn từ việc có 1 cơ chế đầu tư mở” - ông Phil Levy, chuyên gia cao cấp về kinh tế toàn cầu ở Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu - nói với CNN. Nhưng, những hạn chế này xuất hiện vào thời điểm đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đang sụt giảm nhanh chóng, lên đến hơn 90% trong 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước - theo số liệu của Rhodium Group, hãng nghiên cứu chuyên theo dõi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Rhodium lý giải sự sụt giảm mạnh mẽ này có liên quan đến các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ và bản thân hạn chế của Trung Quốc về đầu tư ra nước ngoài.
Tờ Wall Street Journal cho biết, Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Thương mại Mỹ cũng đang điều chỉnh kế hoạch tăng cường kiểm soát xuất khẩu để ngăn các công nghệ quan trọng được xuất sang Trung Quốc. Tất cả những động thái nói trên nằm trong 1 kế hoạch lớn hơn của Washington đối đầu với Bắc Kinh về thương mại, sau những tuyên bố áp thuế hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ đôla hàng hóa của nhau.
Lo ngại về 1 cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra, các thị trường trên toàn cầu đã có những phiêu giao dịch chao đảo trong tuần trước. Ngày 25.6, các chỉ số chứng khoán Châu Á đồng loạt giảm, trong đó chỉ số Nikkei 225 giảm 0.79%, Topix giảm 0.95%, Hang Seng giảm 1.13%, chỉ số Thượng Hải mất 0.64%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Australia như Commonwealth giảm 2.3%, ANZ giảm 1.05%, Westpac giảm 0.61% và Ngân hàng quốc gia Australia giảm 1.12%.
Theo Lao động