Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư vào ngày 31/10, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố một số thông tin tích cực trong tình hình tài chính như đã giảm được 4.176 tỷ đồng nợ vay so với thời điểm đầu năm nhờ bán bớt tài sản và phát hành cổ phiếu để hoán đổi trái phiếu.
Doanh nghiệp của bầu Đức tiếp tục thể hiện kỳ vọng rất lớn vào lĩnh vực cây ăn trái với “mũi nhọn” của năm 2017 là chanh dây (kế hoạch doanh thu 1.159 tỷ đồng) còn năm 2018 là chuối (kế hoạch doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng). Không những thế, năm 2018 còn xuất hiện sản phẩm ớt với kế hoạch lên đến 1.805 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, ngay sau buổi gặp gỡ, cổ phiếu HAG giảm sàn vào ngày 02 và “suýt sàn” vào ngày 03/11. Cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng giảm liền 3 phiên và giảm sàn vào phiên cuối tuần qua.
Mặc dù tình hình kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico chưa có nhiều điểm sáng nhưng 2 cổ phiếu này đã nằm trong xu hướng giảm suốt 4 tháng nay nên cũng không thể nói những thông tin trong buổi gặp mặt đã dẫn đến việc cổ phiếu bị bán quyết liệt như vậy. Vậy điều gì đang xảy ra?
Theo một luồng thông tin, ảnh hưởng của cơn bão số 12 (cơn bão Damrey) có thể đã khiến cho nhà đầu tư lo lắng vườn cây của HAGL bị thiệt hại, trong khi tương lai của doanh nghiệp này đang phụ thuộc lớn vào mảng cây ăn trái. Rất nhanh chóng, HAGL công bố thông tin cho biết, cơn bão Damrey đã gây thiệt hại nặng cho các tỉnh ven biển là Phú Yên, Khánh Hòa và gây thiệt hại nhẹ tới một số huyện phía Đông của các tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra đến 16h chiều ngày 5/11, toàn bộ diện tích vườn cây của Tập đoàn tại Gia Lai, Lào, Campuchia không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão và thiệt hại tới thời điểm này do mưa và gió lớn là không đáng kể. Các vùng trồng tại Campuchia, Lào và Gia Lai đều nằm ở các điểm hầu như không bị ảnh hưởng của bão lũ.
Tuy nhiên, đây có lẽ chưa phải là yếu tố lớn khiến cổ phiếu giảm mạnh như vậy. Trong báo cáo mới đây của CTCK Rồng Việt, các chuyên gia cho rằng việc HAG và HNG bất ngờ lao dốc gần 14% trong 2 phiên vừa qua với khối lượng chất sàn khá lớn do tin đồn một vài công ty chứng khoán đang hạ hoặc ngừng cấp margin "không chính thống" cho cặp đôi cổ phiếu này.
HAG và HNG hiện không nằm trong danh sách cổ phiếu được cho vay ký quỹ “chính thống” nhưng mức độ quan tâm đối với bộ đôi này của nhà đầu tư luôn ở hàng “nhất nhì” thị trường. Vì vậy có thể nhiều tổ chức vẫn dùng cách này hay cách khác để cấp margin cho nhà đầu tư khi mua cổ phiếu của HAGL.
Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh: “Chúng tôi không có đủ thông tin để bình luận về hiện tượng này”. Tuy vậy, VDSC cũng lưu ý nhà đầu tư đó là HAG - HNG đã ra khỏi diện cảnh báo và có thể chính thức lọt vào danh sách margin từ đầu năm 2018.
Theo Hà Phương/ Trí Thức Trẻ
>> Bộ đôi HNG & HAG "ăn mòn" 72% lợi nhuận quý 3 của VietinbankSC