Sự nghiệp nhiều thăng trầm
Con đường trở thành một "icon" công nghệ của Stewart Butterfield được thiết lập giống như một biểu đồ hình "sin" mà ở đó, có cả thành công vang dội lẫn thất bại nặng nề.
Trước Slack, Stewart Butterfield đã có một "màn" khởi nghiệp khá thành công với công việc phát triển ứng dụng Flickr. Nhưng sau một thời gian với nhiều biến động, thăng trầm và đặc biệt là sự bùng nổ bong bóng internet vào những năm 2000, ứng dụng này đã được bán cho Yahoo với giá 20 triệu USD vào năm 2008.
Và tưởng như sau sự thành công "bước đầu" đó, Stewart Butterfield sẽ tiếp tục gặt hái được thêm nhiều hơn nữa các thành tựu thì lại bất ngờ thất bại đến hai lần trong lĩnh vực phát triển game. Với 3 năm rưỡi nghiên cứu và phát triển hai tựa game "Game Neverending" và "Glitch", 45 nhân viên của Stewart Butterfield đã "ngốn" 17,5 triệu USD của các nhà đầu tư. Theo chia sẻ của vị CEO này, đây là một sự phí phạm rất lớn. "Và thế là, chúng tôi quyết định từ bỏ nó", Stewart Butterfield nhấn mạnh với Business Insider.
Đóng cửa tựa game Glitch khiến Stewart rơi vào trạng thái vô cùng tồi tệ. "Tôi đã từng làm mọi cách để khiến các nhà đầu tư cảm thấy Glitch là một sản phẩm hấp dẫn, khiến họ rót vốn cho tôi nhưng cuối cùng, chính tôi lại là người từ bỏ nó trước. Và điều khinh khủng hơn nữa chính là phải nói lời xin lỗi với hàng trăm ngàn khách hàng đang sử dụng Glitch hàng ngày", Sterwart nhấn mạnh.
Nhưng cũng chính trong khoảng thời gian đó, Stewart Butterfield đã đặt những viên gạch đầu tiên cho Slack. "Trong suốt 3 năm rưỡi làm việc ấy, chúng tôi đã thiết kế một hệ thống liên lạc nội bộ nhưng chỉ là một ứng dụng nhỏ. Nó được thiết kế theo nhu cầu của chúng tôi chứ không phải là theo yêu cầu của một ai khác. Hệ thống này là tiền đề cho ứng dụng Slack ngày nay", Stewart Butterfield chia sẻ thêm.
Và ngay sau khi từ bỏ tựa game Glitch, Stewart đã nhận ra sự thú vị của hệ thống liên lạc nội bộ này và "tiên liệu" rằng, sẽ có rất nhiều người thích ứng dụng này tương tự như các nhân viên trong công ty. Và vị CEO này lại tiếp tục bước vào cuộc hành trình mới: Thuyết phục các nhà đầu tư tạo cơ hội để phát triển Slack.
Với 4 năm nghiên cứu và phát triển, đến năm 2015, Slack đã trở thành một ứng dụng công nghệ và phương tiện truyền thông được dân văn phòng và các doanh nghiệp vô cùng yêu thích nhờ các tính năng thú vị, trong đó có chat nhóm hoặc chat riêng.
Với Slack, người dùng có thể chia sẻ tập tin nhanh chóng, tạo các không gian trò chuyện khác nhau dựa trên chủ đề riêng biệt và cung cấp các định dạng tin nhắn trực tiếp cũng như các tính năng trò chuyện thú vị bằng cách sử dụng lệnh văn bản đơn giản.
Từ khi ra mắt (8/2013) tới tháng 10/2016 Slack đã có được hơn 4 triệu người dùng, trong đó có 1.25 triệu người dùng trả phí
Trong năm 2016, Slack đã kêu gọi thành công 200 triệu USD vốn đầu tư và được định giá 3,8 tỷ USD. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, Slack đã trở thành công ty được định giá lên đến 5 tỷ USD.
Hiện, Slack có doanh thu hàng năm vào khoảng 150 triệu USD và tăng số lượng người dùng từ 2,3 triệu (tháng 2/2016) lên 5 triệu người (vào đầu năm 2017).
Theo thông tin mà hãng Bloomberg công bố, Amazon đang có ý định thâu tóm Slack và định giá startup này lên tới 9 tỷ USD. Có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, Amazon đã đánh giá quá cao công ty công nghệ mới nổi này bởi doanh thu của Slack phải tăng gấp 60 lần mới có thể đạt giá trị 9 tỷ USD như nhận định của Amazon.
“Điểm hấp dẫn và cũng là điểm nổi bật nhất khiến Slack tăng trưởng nhanh chóng chính là nhờ vào sự liên kết như một công cụ truyền thông doanh nghiệp mà không cần tiêu tốn chi phí quảng cáo.
Nhưng Amazon là gã khổng lồ thương mại điện tử với mảng kinh doanh điện toán đám mây đang có sức tăng trưởng vượt bậc nên nếu có thể thâu tóm thành công Slack, Amazon sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng là doanh nghiệp của mình thông qua ứng dụng này.
Hiện, phía Amazon và Slack vẫn chưa có phản hồi nào về thông tin này nhưng việc được một "ông lớn" trong ngành công nghệ để ý đã chứng minh được sức hút của Slack. Đây là một trong những điều mà ít công ty khởi nghiệp nào về công nghệ có thể làm được.
Ứng dụng Slack
Luôn muốn cạnh tranh để phát triển
“Từ năm 2015, Stewart Butterfield đã có mặt ở vị trí thứ 9 trong Top 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất tại Silicon Valley và trong những năm gần đây, vị CEO trẻ tuổi này luôn có mặt trong danh sách những gương mặt ấn tượng của nhiều tạp chí và tổ chức hàng đầu thế giới.
Theo Stewart, bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn trở thành người đứng đầu nhưng dù là người đứng đầu thì vẫn cần có sự cạnh tranh. "Việc cạnh tranh giữa các công ty là cách để họ có thể phát triển. Giống như chúng tôi, chúng tôi luôn muốn có sự cạnh tranh bởi điều đó sẽ thôi thúc chúng tôi cải thiện Slack nhiều hơn mỗi ngày".
Và trong cuộc trò chuyện với Business Insider, khi được hỏi về đối thủ cạnh tranh chính hiện nay của mình là ai, Stewart đã không ngần ngại trả lời rằng, đó là Microsoft.
"Microsoft là đối thủ cạnh tranh chính. Họ là công ty lớn thứ ba trên thế giới và nếu họ bắt đầu phân phối các sản phẩm cạnh tranh với các sản phẩm của bạn thì sẽ có rất nhiều việc phải làm đấy", Stewart chia sẻ.
Câu trả lời của Stewart là một câu trả lời đầy bất ngờ bởi hiện nay, thế giới luôn đánh giá Slack là "sát thủ của Gmail". Bản thân Stewart cũng từng đánh giá Gmail rất hữu ích nhưng cũng có rất nhiều các ứng dụng khác có thể dễ dàng thay thế.
Chia sẻ cụ thể hơn về câu trả lời này, Stewwart cho biết, vào đầu những năm 80, không ai nghĩ rằng Microsoft sẽ trở thành một công ty lớn hơn IBM. "Đó là một suy nghĩ vô lý đến mức vô nghĩa nhưng bạn thấy đấy, IBM đã không còn có khả năng "giết chết" Microsoft nữa".
Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ cũng như sự "chuyển mình đáng kinh ngạc" của những "kẻ tạo công nghệ". Công nghệ càng phát triển thì thế giới càng có nhiều những icon công nghệ mới và những quan điểm, tư tưởng có thể trở thành nguồn cảm hứng, đặc biệt là cho các bạn trẻ, các công ty khởi nghiệp công nghệ về cách thành công và cách đứng dậy sau mỗi lần thất bại cũng như cách để phát triển và hoàn thiện mình.
Câu chuyện của Stewart Butterfield càng củng cố nhận định: "Không có con đường thành công nào được trải bằng hoa hồng" và chỉ những người dám đối mặt với thất bại mới có thể và "xứng đáng" được thành công.
Giống như Stewart Butterfield đã nói, "nếu bạn sợ sự thất bại và nhục nhã thì bạn sẽ làm mọi cách để tránh né nó". Và một khi luôn tránh né, bạn sẽ không bao giờ học được cách vươn lên.