Lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng cũng tin tưởng Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên trên thế giới thu hút du khách quốc tế quay trở lại sau dịch Covid-19.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tàu của ngành du lịch Việt Nam, Sun Group đã chuẩn bị những kế hoạch gì để cùng với các doanh nghiệp khác thúc đẩy du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau đại dịch?
Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề không chỉ với những doanh nghiệp du lịch, trong đó có Sun Group, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới chính “túi tiền” và tâm lý của du khách. Do vậy, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi các doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau để tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn. Hiểu rõ điều đó, Sun Group đã lên kế hoạch hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp khác để cùng tạo nên sức mạnh vượt bão, đưa ra những chương trình kích cầu sớm và có sức hấp dẫn. Mục tiêu lớn nhất trước mắt là cần hâm nóng thị trường du lịch nội địa, từng bước phá băng thị trường du lịch Việt Nam vốn bị tê liệt trong thời gian qua, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhân sự ngành du lịch.
Tại Sa Pa, khu du lịch Sun World Fansipan Legend do Sun Group đầu tư cũng đã phối hợp với UBND thị xã Sa Pa và Hiệp hội Du lịch Sa Pa tung ra chương trình kích cầu du lịch quy mô với mức giá ưu đãi lớn. Theo đó, đồng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, vận tải, lưu trú, ẩm thực… trên địa bàn thị xã Sa Pa cam kết giảm giá dịch vụ từ 30-60%. Tính đến nay, chương trình đã thu hút sự tham gia của khoảng 70 doanh nghiệp.
Các khu vui chơi giải trí Sun World, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của chúng tôi cũng nằm trong nhóm những đơn vị đầu tiên của ngành du lịch đón khách trở lại, tung ra những chương trình kích cầu cho du khách nội địa. Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay áp dụng mức giá chỉ từ 5,5 triệu đồng ++/ đêm/phòng tiêu chuẩn cùng nhiều ưu đãi khác; Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) giảm giá vé cáp treo tới 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc từ ngày 28/4 đến 28/6/2020; Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) giảm giá vé cáp treo tới 60% cho người dân 19 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên từ ngày 30/4/2020 đến 31/5/2020. Tới đây, từ 15/5 đến 15/7, Bà Nà Hills tiếp tục áp dụng combo mua vé cáp treo tặng vé buffet cho du khách toàn quốc. Tại Hạ Long, Sun World Halong Complex cũng giảm tới 40% giá vé vui chơi công viên nước Typhoon từ ngày 8/5-19/5…
Cùng với sự đồng hành, ủng hộ của tỉnh Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn cũng đã áp dụng chương trình ưu đãi dành cho hành khách. Theo đó, hành khách đến hoặc đi từ sân bay Vân Đồn sẽ được miễn phí vé thăm quan Vịnh Hạ Long, Yên Tử; miễn phí xe buýt Hạ Long – Vân Đồn và ngược lại; giảm 50% giá dịch vụ cáp treo tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử; ưu đãi giảm giá vé tại các quần thể vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group trên toàn quốc.
Đặc biệt, để tạo nên những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, độc đáo để thu hút du khách đến với các điểm đến và địa phương, Sun Group cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch khai trương các dự án du lịch mới như: khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen ở Quang Hanh, Cẩm Phả (Quảng Ninh); khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay (Hạ Long); tuyến cáp treo 3 dây vượt biển Cát Hải – Phù Long tại Hải Phòng…
Theo bà, các doanh nghiệp du lịch cần làm gì để cùng với ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi thị trường du lịch nội địa và sau đó là đến thị trường du lịch quốc tế?
Nếu như trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất tại Việt Nam, ưu tiên lớn nhất của doanh nghiệp là làm sao để tồn tại, vượt qua “cơn bão” thì điều cần làm ngay lúc này là làm sao để hoạt động bình thường trở lại. Việc đưa một doanh nghiệp du lịch hay các khách sạn, khu du lịch trở lại hoạt động bình thường tưởng như là điều đơn giản, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì thực sự cần một nỗ lực và quyết tâm lớn, bởi vận hành một bộ máy cần rất nhiều chi phí, trong khi lượng khách nội địa hiện nay vẫn chưa đông, khách quốc tế gần như vắng bóng, thu không đủ bù chi.
Tuy nhiên, nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch nội địa sẽ khó nhanh chóng phục hồi trong khi thị trường outbound, inbound lại chưa thể dự đoán được thời điểm hồi phục, khi diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn khá phức tạp.
Sun Group cũng đã chịu tổn thất nặng nề do dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi xác định việc tái khởi động các hoạt động du lịch trong giai đoạn này là cần thiết để hâm nóng, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác cùng quay trở lại với guồng quay thị trường, đồng thời tạo niềm tin cho chính những du khách còn đang e ngại.
Nỗ lực của Sun Group cùng với các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch từng bước hồi sinh, tạo công ăn việc làm và lấy lại đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, góp phần tái khởi động và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà có đề xuất gì với Chính phủ, ngành du lịch để chung tay vực dậy ngành du lịch ở thời điểm này?
Để tạo nên sức bật đột phá cho thị trường du lịch nội địa, chúng tôi đề xuất Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch để quảng bá cho điểm đến trong nước nhằm khuyến khích, kêu gọi người dân ủng hộ, đi du lịch Việt Nam theo đúng tinh thần khuyến khích tiêu dùng nội địa- một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5 vừa qua.
Ngoài ra, ở thời điểm hiện nay, tôi cũng đề xuất toàn ngành du lịch cần phát động triển khai mạnh mẽ Chương trình chào đón du khách trở lại với những ưu đãi đặc biệt để kích thích chi tiêu trong vòng 2 tháng. Tất cả du khách mỗi khi check-in các điểm đến đều nhận được tin nhắn chào mừng, gói ưu đãi hấp dẫn đến từ các đại lý du lịch, cửa hàng ăn uống, mua sắm, tất cả các phương tiện giao thông công cộng, các hãng taxi. Việc triển khai cần áp dụng mạnh mẽ và trên quy mô cả nước, với tất cả các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm: lữ hành, vận tải, lưu trú, mua sắm…. để tạo nên chuỗi sản phẩm có chất lượng tốt nhất và mức giá rẻ nhất để kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành du lịch, các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức các chuyến FAM Trip, Presstrip quốc tế quy mô lớn, mời các KOLs, nhà báo du lịch trải nghiệm các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn để từ đó lan tỏa hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam đến du khách mọi miền Tổ Quốc…
Tôi có niềm tin là khi dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới thì Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên thu hút du khách quốc tế quay lại. Bởi lẽ đất nước chúng ta đã rất xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và đầy nhân văn khi triển khai hàng loạt chuyến bay đưa đồng bào từ vùng dịch về nước, cũng như hỗ trợ cung ứng trang thiết bị phòng dịch cho các quốc gia là tâm dịch trên thế giới….
Chính vì vậy, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, chúng tôi kỳ vọng ngành du lịch sẽ lập tức triển khai chương trình quảng bá “Việt Nam - Điểm đến an toàn” như đã lên kế hoạch trước đó. Đây là bước khởi đầu quan trọng để du khách quốc tế ý thức được có một Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện đang chào đón họ trở lại.
Cảm ơn bà về những chia sẻ!