Ceo Vinasamex Nguyễn Thị Huyền: Người đưa quế, hồi “toả hương” cùng thế giới

5-7470.png

Với mong muốn cải thiện cuộc sống cho người dân vùng cao cũng như quyết tâm để đối tác nước ngoài có cách nhìn khác về doanh nghiệp Việt, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền cùng chồng đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định mình trên trường quốc tế.

Chia sẻ với Thương Gia, doanh nhân Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) bộc bạch, bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ khởi nghiệp với sản phẩm nông sản Việt Nam, đặc biệt là quế và hoa hồi. Lúc mới ra trường, chị chỉ mong xin một công việc liên quan đến ngành nghề mình đã học như là giáo viên dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên đi làm, chị đã được sếp cử đi cùng đoàn lên vùng nguyên liệu để làm phiên dịch viên. Lúc lên đến vùng trồng hồi, mùi thơm đặc trưng của nó đã khiến chị rất thích thú và ấn tượng. Chị cũng thấy khá thú vị với công việc khi vừa được đi đây đi đó, vừa được giao tiếp nhiều với khách hàng nước ngoài nên bén duyên với nghề từ đó.

TRẢ “HỌC PHÍ” GẦN CHỤC TỶ CHO BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI

Khi đã bén duyên với nghề, chị đã làm thế nào để công ty phát triển mạnh như bây giờ, thưa chị?

Thực tế, người nhận ra tiềm năng và đặt những nền móng đầu tiên với ngành quế hồi là anh Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasamex - chồng của tôi. Còn để Vinasamex phát triển như hiện tại tôi nghĩ là do chúng tôi đã phải trả một khoản phí xương máu cho giai đoạn đầu bởi vì kinh nghiệm, kiến thức chưa vững.

Tôi nhớ mãi khoản lỗ đầu đời khi mang khoảng 10 tỷ đi mua hàng. Năm đầu tiên hạch toán về tài chính bị lỗ khoảng 3 đến 4 tỷ. Năm tiếp theo tình hình cũng không khá khẩm hơn khi tiếp tục lỗ tiếp 3 đến 4 tỷ nữa. Có thể nói những năm đầu chúng tôi lỗ liên hoàn, không thấy điểm dừng.

Chị có thể chia sẻ thêm về nguyên nhân vì sao lại lỗ liên hoàn đến thế?

Nguyên nhân chính là do chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi không nắm được thời điểm nào thích hợp để gom hàng tích trữ để bán dần cho khách hàng. Thế nên lần đó chúng tôi mua hàng om kho lúc giá nguyên liệu đang đúng thời điểm cao nhất, còn khi bán ra giá lại bị hạ khủng khiếp. Bài học đầu đời diễn ra đúng kiểu khi mua hàng thì mua theo contenner, đến lúc bán lại bán theo cân.

1-2471.png

Đợt ấy, tôi mua để tích trữ hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên chỉ 3 contenner hàng đầu tiên bán ra cho thị trường Ấn Độ có lãi. Tất cả contenner còn lại bị tồn trong kho 1 năm trời bởi thời điểm đó, Ấn Độ lockdown và họ không mua bất kì sản lượng nào ở Việt Nam. Mà hàng nông sản thì chị biết rồi đấy, cứ lưu kho càng lâu thì sẽ sinh ra mối mọt, rồi chất lượng cũng kém đi so với ban đầu khiến giá trị món hàng bị giảm đáng kể. Cuối cùng, chúng tôi cũng bán được nhưng giá chỉ bằng 1/3 so với giá nhập.

Nguyên nhân nữa là khi phơi quế, hồi, người nông dân áng chừng sản phẩm còn 30% độ ẩm là họ không phơi nữa cho dôi dư cân nặng. Trong khi đó tiêu chuẩn xuất khẩu độ ẩm phải đạt 13%. Thời điểm đó, chúng tôi chưa có máy móc nào để kiểm soát về độ ẩm. Cán bộ thu mua kiểm tra hàng hoàn toàn bằng cảm quan nên tỷ lệ hao hụt rất lớn. Đó cũng là bài học rất thương đau với chúng tôi.

Khoản lỗ lên đến gần 10 tỷ đồng đối với một doanh nghiệp mới khởi nghiệp theo tôi là một con số khá lớn. Vậy chị lấy đâu ra số vốn lớn như thế để “trả học phí” cho những bài học về kinh doanh đầy đau thương này?

Vốn để “trả học phí” cho những bài học xương máu đầu đời được chúng tôi lấy từ vốn tự có. Trước khi kinh doanh quế, hồi, chồng tôi đã từng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, nhập khẩu ô tô, nhập khẩu linh kiện điện thoại từ Trung Quốc về Việt Nam nên cũng có sẵn một số vốn kha khá để chúng tôi đầu tư.

Tôi rất biết ơn khi luôn có chồng hậu thuẫn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Trong công việc, mặc dù thường xuyên tranh luận nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn thống nhất được vấn đề vì cả hai luôn nhìn về một hướng.

“KHÔNG MỘT AI TIN CHÚNG TÔI”

Bị lỗ liên hoàn mấy năm liền như vậy, có lúc nào chị muốn bỏ cuộc?

Nếu vì lý do lỗ thì là không. Bởi tôi hiểu, trong kinh doanh không phải lúc nào cũng mang lại lợi nhuận. Vì vậy, những khoản lỗ đó không khiến tôi muốn bỏ cuộc. Ngoài phi vụ lỗ hàng chục tỷ kia, chúng tôi còn có thêm mấy lần thất bại như thế nữa.

Đã có lần, khi chúng tôi đưa hàng sang Ấn Độ rồi sang Bangladesh, chúng tôi chốt với đối tác một đơn hàng 10 contenner với mức giá bằng nhau là 2.500 USD/tấn. Khi mới giao được cho khách 5 contenner hàng thì giá nguyên liệu tăng gấp đôi so với thời điểm chốt giá với khách khiến cho chúng tôi lỗ 500 USD/tấn.

Nếu là doanh nghiệp khác, họ sẽ “bùng” đơn hàng còn lại. Nhưng Vinasamex không làm thế. Vinasamex không trốn tránh vấn đề nên vẫn giao hàng cho khách. Đồng thời chia sẻ về tình hình giá cả hiện tại để khách hàng thấy được độ cam kết của Vinasamex đối với họ. May là khách hàng cũng rất tử tế, họ sẵn sàng chia sẻ 50% số lỗ ấy cùng chúng tôi.

Quả thật chị là một người phụ nữ rất kiên cường khi liên tiếp bị lỗ vậy mà không từ bỏ…

Nói tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ thì là không đúng. Mà như tôi nói bên trên, nguyên nhân lỗ không khiến tôi nảy sinh ý định rút lui. Đối với tôi, những lần lỗ nặng chỉ là những kỷ niệm khó quên, chứ không làm tôi nản lòng.

Còn thực ra, đã có lần tôi có ý định bỏ cuộc. Đó là lúc bắt đầu khởi nghiệp với quế, hồi hữu cơ.

Thời điểm đó, không một ai tin chúng tôi hết. Họ còn nói chúng tôi bị điên khi bỏ thị trường Ấn Độ đang mang lại doanh thu lớn cho Vinasamex để đi thuyết phục chính quyền, người dân theo mô hình hữu cơ mà chưa biết kết quả đem lại ra sao.

Giờ ngẫm lại, họ nói vậy cũng đúng thôi bởi thời điểm đó, đến bản thân chúng tôi đôi lúc còn thấy mất định hướng và hoang mang tột độ. Chúng tôi vừa mò mẫm đi vừa tự hỏi con đường đến với nông nghiệp hữu cơmà chúng tôi lựa chọn đã đúng hay chưa, có đáng để đánh đổi như thế này không - thì việc họ nói chúng tôi bị điên cũng là chuyện thường.

“CÓ BIẾT TRỒNG QUẾ, HỒI KHÔNG MÀ ĐÀO TẠO?”

Trong cả hành trình kinh doanh quế hồi, chị còn gặp thêm những khó khăn gì?

Tôi dám khẳng định không có nhiều doanh nghiệp dám liều để chuyển hướng như Vinasamex vì nó quá khó khăn, quá thử thách. Những mất mát về tài chính cũng chưa sánh bằng câu chuyện khi bắt đầu chuyển đổi sang mô hình chuỗi giá trị.

Tại sao Vinasamex lại xây dựng vùng hữu cơ hồi ở Văn Quan (Lạng Sơn) hay quế ở Trấn Yên (Yên Bái)? Tại sao Vinasamex lại đặt nhà máy ở Trấn Yên hay ở Bảo Thắng (Lào Cai)…? Tất cả đều có lý do hết. Bao nhiêu vùng trồng quế, hồi như vậy nhưng không phải chính quyền địa phương hay người dân nào cũng sẵn sàng thay đổi.

Trong thời gian đi tìm sự chung tay của người dân và chính quyền, tất cả các ngóc ngách, vùng sâu vùng xa nhất của Yên Bái, Lạng Sơn chúng tôi đều tự mày mò đi vào. Việc phải ngủ trên xe qua đêm ở rừng là chuyện thường; hay chuyện đi một quãng đường xa hơn 30 km, chỉ còn một chút nữa thôi là đến điểm cần đến, nhưng xe không thể lội qua ổ voi quá to khiến chúng tôi phải quay lại tìm đường vòng khác cũng không còn là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, những khó khăn về địa lý đó chưa là gì so với chuyện đi thuyết phục chính quyền và người dân để họ đồng hành với Vinasamex. Khi nói chuyện với chính quyền, họ đặt câu hỏi: “Tại sao tôi phải phục vụ doanh nghiệp? Chúng tôi được lợi ích gì trong việc này?...”.

Còn người dân thì nói rằng: “Công ty có mua được giá cao hơn không? Loại cây này chúng tôi có kinh nghiệm trồng nhiều đời rồi, doanh nghiệp non trẻ từ Hà Nội lên có đủ kiến thức để đào tạo chúng tôi không? Có biết trồng quế không, có biết trồng hồi không mà đòi đào tạo chúng tôi?...”. Thời điểm đó, chúng tôi đi từng nhà và đúng kiểu như đi cầu xin họ hợp tác với mình chứ không dễ dàng như bây giờ.

Rồi chị gỡ những khó khăn ấy bằng cách nào?

Bước đầu, chúng tôi thuyết phục và hợp tác được với vài hộ nông dân rồi từng bước đào tạo họ về những tiêu chuẩn quốc tế. Sau 1 năm, những hộ nông dân khác thấy có kết quả nên dần tin tưởng. Chúng tôi cứ thế đi từng bước nhỏ và từ đầu luôn cam kết mua cho bà con với giá cao hơn 5-10% của thị trường để 5-10% đó giúp họ cải thiện sinh kế.

Nói thật, phải có tình yêu đủ lớn thì chúng tôi mới không bỏ cuộc vì quá vất vả. Tuy nhiên càng làm chúng tôi càng mê bởi cuộc thu nhập của người dân tốt hơn, nhận thức cũng thay đổi theo. Chúng tôi thấy mình đang tạo ra giá trị cho rất nhiều người mà không đo đếm được bằng tiền.

QUYẾT TÂM ĐỂ ĐỐI TÁC CÓ CÁI NHÌN KHÁC VỀ DOANH NGHIỆP VIỆT

Khi gặp quá nhiều khó khăn đến thế, có bao giờ chị muốn quay lại sản xuất nông nghiệp thông thường?

Chưa bao giờ tôi muốn quay lại sản xuất nông nghiệp thông thường. Bởi trước đó tôi đã chứng kiến cảnh giữa người nông dân và tư thương nảy sinh rất nhiều cuộc xung đột và tranh chấp nhau về giá cả. Trước khi mang ra bán thì tư thương thoả thuận giá 20 ngàn chẳng hạn, nhưng khi họ mang hàng đến cửa khẩu thì tư thương lại trả chỉ 15 ngàn. Người dân rất ấm ức nhưng hàng đã gom rồi, giờ mang về cũng không biết bán cho ai nên đành phải chấp nhận lỗ.

Những người dân ở đấy 95% là người dân tộc thiểu số. Họ không bán được hàng đồng nghĩa với việc không có tiền cho con đi học, không có tiền mua thực phẩm, thuốc men… để đảm bảo cuộc sống. Thấy họ nghèo như thế, trong tâm tôi rất thương.

Tôi nghĩ, nếu Vinasamex cứ bị phụ thuộc vào Ấn Độ, phụ thuộc vào sự biến động giá cả của thị trường sẽ không mang lại nhiều giá trị. Trong khi đó, còn nhiều thị trường đang có nhu cầu lớn về quế, hồi hữu cơ, dân mình sản xuất theo hướng truyền thống thì cứ mãi nghèo như hiện tại. Do đó tôi nghĩ mình phải làm cái gì khác đi để cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Thời điểm đó cũng đã có nhiều người gắn bó với Vinasamex. Tôi không thể vì bản thân mà khiến cho những người gắn bó, đặt niềm tin với Vinasamex phải rơi vào cảnh khó khăn. Lúc đó tôi không sống cho tôi nữa mà tôi đã sống cho người khác. Chính vì những lý do đó nên có những lúc tưởng chừng không cố được nữa rồi cuối cùng tôi lại vượt qua được.

Chúng tôi còn có một động lực nữa để không quay lại sản xuất theo hướng thông thường bởi, sứ mệnh Vinasamex đã đặt ra trước đó là xây dựng lại thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu như Vinasamex ra đời sau mà vẫn làm nông nghiệp thông thường giống như kiểu của bao doanh nghiệp khác sẽ không có gì khác biệt và cũng không thể cạnh tranh với họ được.

Sứ mệnh xây dựng lại thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế được Vinasamex đặt ra trong hoàn cảnh nào hay chỉ đặt ra như là mục tiêu để phấn đấu, thưa chị?

Sứ mệnh của Vinasamex được đặt ra khi lòng tự tôn dân tộc của chúng tôi bị chạm vào rất mạnh. Câu chuyện bắt đầu khi chúng tôi tham dự hội chợ hữu cơ quốc tế. Trước đó, lúc chuyển đổi sang hướng hữu cơ, có người khuyên tôi chỉ làm 10ha với 10 hộ nông dân cho gọn nhẹ và dễ dàng kiểm soát.

Sau khi xin được chứng nhận hữu cơ quốc tế và có kinh nghiệm hơn thì mới mở rộng diện tích. Nhưng tôi nghĩ cái này mới, mình là người tiên phong, hơn nữa trong khi làm phải bỏ tất cả chất xám cũng như đầu tư tất cả nguồn lực vào đây mà chỉ làm có 10 ha thì không bõ công.

Do đó tôi quyết định đầu tư vào 1.000 ha với 1.000 hộ nông dân. Khi xây dựng được chuỗi giá trị, ngay lập tức tôi được chứng nhận hữu cơ quốc tế khiến mọi người vỡ òa.

Một thời gian sau, khi tham gia một hội chợ hữu cơ lớn nhất thế giới diễn ra ở nước Đức, chúng tôi có trưng bày chứng nhận này tại gian hàng của mình. Đối tác nước ngoài khá ngạc nhiên và trầm trồ vì họ không tin một doanh nghiệp non trẻ tại Việt Nam có thể mở rộng vùng trồng lên tới 1.000 ha hữu cơ. Điều đó khiến họ có cái nhìn khác về doanh nghiệp Việt Nam. Khác hẳn câu chuyện trước đây khi tham gia các hội chợ quốc tế khác, chúng tôi thường không có tiếng nói gì cả.

Điều đáng buồn là họ cũng không biết rằng Việt Nam có quế, có hồi. Họ chia sẻ rằng họ chỉ biết quế, hồi chỉ có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia... Trong khi đó Ấn Độ nhập 100% quế, hồi của Việt Nam. Điều này đã khiến cho lòng tự tôn dân tộc trong tôi bùng cháy và thấy chua xót vô cùng.

Họ còn chia sẻ về sự thiếu niềm tin đối với một số doanh nghiệp Việt Nam như khi chào hàng thì hàng hoá rất đảm bảo, nhưng lúc giao lại toàn sản phẩm kém chất lượng… khiến tôi xấu hổ và buồn phát khóc.

Từ đó tôi quyết tâm khiến đối tác nước ngoài có cái nhìn khác về Việt Nam, về doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó trở thành sứ mệnh của Vinasamex, sứ mệnh giúp đỡ người dân có cuộc sống tốt hơn, sứ mệnh để làm sao trở thành doanh nghiệp đại diện cho Việt Nam trên trường quốc tế.

TỰ HÀO VÌ ĐÃ GIÚP ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI CÓ CUỘC SỐNG ỔN ĐỊNH

Khi mới khởi nghiệp, Vinasamex đặt mục tiêu như thế nào? Sau hơn 10 năm phát triển, hiện Vinasamex đã đạt được bao nhiêu phần trăm của mục tiêu đó?

Khi mới khởi nghiệp, mục tiêu của chúng tôi không có gì khác lạ so với những doanh nghiệp khác là mong muốn kinh doanh thuận lợi và có lợi nhuận. Nhưng sau đó, tôi cùng anh Quế Anh xác định phát triển theo con đường nông nghiệp bền vững thì mục tiêu chúng tôi thay đổi. Lúc đó chúng tôi cần làm ra sản phẩm tốt, đạt được chứng nhận quốc tế để bán với giá trị cao hơn để quay trở lại làm những điều khác biệt cho địa phương.

Hiện tại, nếu để đo lường, Vinasamex không nhìn vào lợi nhuận hay doanh thu nữa. Động lực và cũng là niềm tự hào của chúng tôi đó là đã giúp được nhiều người có cuộc sống ổn định thông qua mô hình kinh doanh này. Hiện chúng tôi có 3.000 hộ nông dân với diện tích 4.200 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Còn tác động lên họ thông qua truyền thông về ngành nghề thì phải lên tới 15.000 hộ.

Tôi nghĩ Vinasamex đã đạt được kỳ vọng và đâu đó đã vượt quá kỳ vọng so với mục tiêu ban đầu đặt ra khi chuyển đổi mô hình. Tuy nhiên khi đến đích này sẽ có một đích khác. Đây tiếp tục là một hành trình để Vinasamex nỗ lực trong thời gian tới.

Vậy đích của Vinasamex trong thời gian tới là gì, thưa chị?

Vinasamex định vị sẽ là doanh nghiệp TOP 10 trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm và dược phẩm toàn cầu, sẽ là công ty nông sản sản xuất gia vị organic đầu tiên ở Việt Nam có thương hiệu trên thị trường. Khi định vị như vậy, chúng tôi còn nhiều thứ phải làm lắm. Cụ thể như Vinasamex không chỉ dừng ở 3.000 hộ nông dân mà sẽ nâng lên 10.000 hộ nông dân. Vinasamex cũng không chỉ dừng lại ở 4.200 ha quế, hồi hữu cơ mà sẽ nâng lên ít nhất là 10.000 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế.

4-1722.png

Hiện Vinasamex đang có 4 vùng nguyên liệu chính là Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và vừa rồi, chúng tôi mới ký kết MoU với huyện Cam Lộ, Quảng Trị để phát triển 20.000 ha quế ở đó.

Ngày xưa người ta nghĩ rằng sản phẩm quế, hồi của Việt Nam là sản phẩm thô, chỉ bán được cho thị trường Trung Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên từ năm 2016, chúng tôi đã đạt 4 chứng nhận hữu cơ quốc tế cao nhất của thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khẳng định chất lượng của Vinasamex có thể đáp ứng được cho toàn thế giới với chất lượng cao nhất. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và sẽ đi xa hơn nữa.

Công ty cũng phấn đấu trở thành thương hiệu trong lĩnh vực gia vị và hương liệu hữu cơ đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác thay đổi tư duy cũng như mục tiêu kinh doanh.

Vinasamex cũng đang tiếp tục xây dựng những nhà máy mới sử dụng công nghệ cao để tạo ra được những tinh chất từ quế, hồi nhằm phục vụ cho các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Bài: Hồ Hường

Thiết kế: Đức Trí

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

“Soán ngôi” Jeff Bezos, Mark Zuckerberg leo lên giàu thứ hai thế giới

“Soán ngôi” Jeff Bezos, Mark Zuckerberg leo lên giàu thứ hai thế giới

Mark Zuckerberg đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới, với giá trị tài sản ròng đạt 206,2 tỷ USD. Thành công này phản ánh đà tăng trưởng mạnh mẽ của Meta nhờ lợi nhuận từ quảng cáo trực tuyến và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo…

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Lương trung bình của các Giám đốc Tài chính (CFO) đã tăng gần 8,5% vào 2023 khi các ưu đãi dựa trên cổ phiếu được các tập đoàn sử dụng nhiều hơn để giữ người thay vì một mức lương cứng cụ thể...

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới cần kiềng 3 chân: Năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương; kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT và làm thương hiệu...