Trang Cara không phải là một cái tên xa lạ với giới KOL Việt Nam khi đã có nhiều năm hoạt động với công việc của một đạo diễn, một giảng viên đại học, một Tiktoker triệu views và là một chuyên gia đào tạo kinh doanh bằng video và livestream thực chiến.
Tuy nhiên, thành công không chỉ giữ riêng cho mình, với mong muốn đưa nông sản Việt Nam “cất cánh” nhờ livestream, nữ đạo diễn 9x này đã tổ chức hàng loạt dự án hỗ trợ, đào tạo người nông dân kinh doanh nông sản trong thời đại số. Mời bạn đọc cùng Tạp chí Thương Gia khám phá về hành trình đưa livestream công nghệ đến với người nông dân Việt Nam của Trang Cara.
Được biết chị đang thực hiện loạt dự án “cứu cánh” cho những người nông dân muốn tiếp cận livestream. Điều gì khiến chị có quyết định như vậy?
Trong 2 năm đào tạo các lớp học livestream, nhiều học viên chia sẻ với tôi về việc ngành nông sản Việt của nông dân đang bế tắc. Từ đó, một trăn trở nảy ra trong đầu tôi rằng “Liệu chính mình có thể giúp họ tăng thêm thu nhập bằng việc livestream được không?”.
Trong khi ngày nay, hầu như ai cũng có trên tay một chiếc điện thoại di động thông minh và mạng xã hội trở nên rất phổ biến. Điều họ thiếu chỉ là những kỹ năng để tiếp cận khách hàng và tôi hoàn toàn có thể giúp họ với những kiến thức và kinh nghiệm vốn có.
Tất nhiên, tôi cũng phải nói mình bắt đầu từ việc nhìn thấy những trường hợp lớn như Bà Tân Vlog, Cô Thơ Nông Sản… Tôi thấy và bắt đầu phân tích tại sao những trường hợp này thành công.
Là một người kinh doanh hay một người đào tạo, tôi cũng thấy khả năng thành công của công việc này khá lớn. Bởi khi các bạn trẻ ở ngoài kia bán hàng sẽ có sự xuất hiện của các cô chú gương mặt uy tín. Những sản phẩm cô chú làm ra từ cái tâm, từ sự hiểu biết sẽ chạm được đến cảm xúc của khách hàng.
Hơn nữa, đây là công việc mà tôi yêu thích nếu có thể lan tỏa, giúp đỡ được cho cộng đồng, vậy tội gì mà mình không dám thử?
Ở Trung Quốc từ lâu đã có hàng loạt “chiến thần livestream” bán hàng nông sản. Tại Việt Nam, bây giờ mới bắt đầu hướng dẫn người nông dân thực hiện việc đó liệu có quá muộn không?
Với tôi thì không có cái gì là quá muộn cả, chỉ có khi nào chúng ta bắt đầu. Thế nên, tôi không bao giờ dùng khái niệm “muộn” mà thay vào đó “hãy bắt đầu làm đi”. Khi chúng ta bắt đầu làm sẽ vỡ ra được nhiều thứ và biết được rằng mình cần thêm gì hay đang có rất nhiều thế mạnh về cái gì. Từ đó, cùng nhau làm tiếp, cùng nhau phát triển tiếp.
Bất kỳ thị trường nào dù là Trung Quốc hay Việt Nam cũng đều có điểm mạnh khác nhau. Ở Trung Quốc, thị trường này có thể phát triển trước nhưng lại sớm bị bão hòa. Ngược lại, mặc dù Việt Nam đi sau nhưng chắc chắn sẽ có điểm khác biệt, rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn. Đó là chúng ta bắt đầu cùng với nhau và cùng nhau phát triển.
Người nông dân – đặc biệt những người lớn tuổi khi tiếp xúc với công nghệ như TikTok để bán hàng sẽ không thể quá thông thạo, nhanh nhạy. Khi hỗ trợ hướng dẫn các cô chú thực hiện bán hàng online liệu có gặp khó khăn gì không?
Khó chứ! Cái khó thứ nhất là làm sao cho các cô chú hiểu về nền tảng, ngay cả cách viết tên “Tiktok” như thế nào. Nhưng cũng khá may mắn bởi những cô chú có mong muốn được tiếp cận với việc livestream bán hàng thường cũng đã biết một chút về công nghệ. Ít nhất bây giờ ai cũng biết sử dụng điện thoại thông minh.
Khó khăn tiếp theo là phải có những người hỗ trợ cô chú trong quá trình thực hiện những phiên livestream. Với những phát sinh xảy ra, cô chú cũng không thể nhanh nhạy giống như người trẻ được. Nhất là những thứ liên quan đến vấn đề về tâm lý.
Trong quá trình livestream, có rất nhiều bình luận, câu hỏi…, mình luôn luôn phải là người truyền động lực, chia sẻ cũng như đưa trước cho cô chú những tình huống có thể xảy ra để họ có thể lường trước được những trường hợp đó. Thậm chí cả việc ban đầu không thể nào bán hàng được ngay.
Trong một lớp học, có thể có người sau những lớp đầu tiên đã có thể bán được rất nhiều hàng rồi. Nhưng có những người không như vậy, họ phải mất rất nhiều thời gian. Do đó, việc cho họ thấy sự kiên trì, phải làm việc liên tục và dành thời gian cho nó một cách thật sự cũng là một khó khăn.
Chị đánh giá như thế nào về việc rất nhiều người trẻ đang nỗ lực trở thành những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số. Nếu có thể gửi gắm một lời khuyên đến họ, chị sẽ nói gì?
Với những bạn mới bắt đầu, hãy cứ làm đi đã! Nếu như mình không bắt đầu làm thì mình sẽ không thể biết mình có làm được không hay mình sẽ đi đến đâu.
Tôi tin rằng lựa chọn trở thành nhà sáng tạo nội dung là một con đường dài và bạn chỉ có thể tồn tại trên con đường này nếu bạn không ngừng học hỏi. Mình học hỏi ở đây không chỉ thông qua các lớp học mà còn ở bất kỳ mọi nơi.
Chẳng hạn, bạn muốn làm TikToker, đừng xem nội dung video với tư cách là một công chúng bình thường. Hãy đứng trên cương vị là người sản xuất nội dung và không ngừng đặt câu hỏi “Tại sao người ta lại làm như này? “Người ta làm điều này như thế nào?... Cách mình tự đặt câu hỏi cho bản thân mình sau đó tự trả lời là cách học tốt nhất.
Sau đó là quá trình trải nghiệm của bạn, để bạn hiểu rằng mình có thật sự phù hợp không và thành công đến đâu… Bạn cũng nên tìm đến những người có kinh nghiệm trước đấy để nghe họ nói về những trải nghiệm đã qua. Mình nghe để mình biết rằng mình sẽ tự tạo ra trải nghiệm của mình.
Bên cạnh việc mở lớp hướng dẫn Livestream, tương lai chị có dự định nhận nông sản về bán hộ người nông dân không?
Cũng có thể! Thực tế, kế hoạch nhận nông sản về để bán hộ cũng là một dự án mà rất nhiều người đang làm rồi. Nhận về bán hộ đồng nghĩa với việc mình cần phải phát triển đội ngũ bán hàng là KOLs, KOC.
Hiện tại, Trang đã sở hữu một đội ngũ các bạn KOLs, KOC livestream bán hàng chuyên nghiệp. Nếu trong năm nay, đội ngũ này được phát triển và “nhân bản” nhiều hơn thì lúc đấy tôi chắc chắn sẽ ưu tiên cho các sản phẩm nông sản Việt Nam để có thể đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất và hỗ trợ được cho các cô chú nông dân.
Với nhiều ý tưởng, kế hoạch như vậy, chị có nghĩ sẽ bị quá sức?
Tôi là một người tham công tiếc việc (cười). Trước đây, tôi có quan điểm luôn đặt công việc lên hàng đầu và phải mất một khoảng thời gian để mà cân bằng lại hạng mục công việc của mình. Bước sang năm 2024, bản thân tôi đã quyết tâm dành thời gian để cân bằng lại giữa công việc và cuộc sống.
Công việc của Trang là đạo diễn và cũng có 8 năm là giảng viên tại Trường Sân khấu - Điện ảnh, sau đó chuyển hướng làm kinh doanh. Bản thân tôi đã làm việc rất nhiều, nỗ lực cũng không ngừng nghỉ để gặt hái được thành công. Thành tựu có nhưng hệ lụy cũng vô vàn, có những lúc sức khỏe của tôi phát “tín hiệu” báo động. Thậm chí tay đang truyền nước mà tôi vẫn ngồi viết kịch bản, duyệt video…
Sau những sự việc như vậy, năng suất công việc cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, lúc đó mới nhận ra yêu thương bản thân cũng là một đặc ân của cuộc sống. Phụ nữ cần sắp xếp thời gian để chăm sóc, thấu hiểu bản thân, dành sự quan tâm đến những người xung quanh và xây dựng cho tổ ấm bé nhỏ của mình.
Sau nhiều năm làm việc, điều gì khiến chị tự hào nhất về bản thân mình?
Nhận được tình yêu thương và sự quý mến của mọi người xung quanh chính là “chiến thắng vĩ đại” nhất trong cuộc đời của tôi. Có những lúc vô vàn vấn đề xấu ập đến trong công việc khiến mình chưa kịp giải quyết, lúc đó tôi lại nhận được sự thông cảm, chia sẻ từ khách hàng. Đôi khi tôi còn tự cảm thấy rằng, dường như mọi người “nuông chiều cảm xúc” của tôi!
Tôi vẫn thường nói đùa rằng, nếu năm nay tôi không làm gì cả, kể cả cần ăn mặc sang chảnh chơi từ giờ đến cuối đời thì cứ mỗi ngày đi gặp một người thôi là không phải lo lắng gì. Bởi vì, tôi đã xây dựng được những mối quan hệ không hẳn chỉ là tiền bạc mà nó còn là những cộng sự kề vai sát cánh, hỗ trợ giúp đỡ nhau mãi mãi về sau này nữa.
Và tất nhiên để có được điều này, giá trị công việc tôi đem lại luôn phải vượt qua kỳ vọng của mọi người.
Sau những thành công đã gặt hái, chị có sợ mình ngủ quên trên chiến thắng không?
Có một câu nói mà tôi luôn cảm thấy đúng: “Thành công không phải là đích đến mà là cả một cuộc hành trình”. Và, tôi không bao giờ dừng lại.
Trong suốt hành trình này, tôi sẽ luôn luôn du ngoạn về nó, luôn luôn tận hưởng nó, và luôn đón nhận những bài học trên chặng đường mà mình đi. Đó chính là việc tạo ra cái giá trị cũng như tạo ra những điều tuyệt vời trong cuộc sống của mình.
Tinh thần làm việc mà chị xây dựng cho đội ngũ nhân viên, những cộng sự thân thiết của mình là gì?
Năm 2024 sẽ là một năm “nhân bản” đối với Trang. Những người cộng sự đã cùng tôi “chinh chiến” trong thời gian qua là những người có định hướng, tư tưởng làm việc giống tôi. Và tôi luôn hy vọng các bạn đó có nhiều cơ hội để phát triển nhiều hơn nữa. Tôi cũng mong muốn rằng mình sẽ có thật nhiều bạn leader, thật nhiều “chiến thần” để cùng nhau làm việc với mình.
Tinh thần làm việc của chúng tôi luôn là sự công bằng. Tôi luôn ghi nhận những đóng góp từ những công việc nhỏ nhất của từng thành viên trong từng bộ phận đến những việc to lớn, hệ trọng hơn.
Ai cũng có thể làm những công việc mình muốn, mình thích cùng sự đam mê cháy bỏng với công việc, không cảm thấy rằng tôi đang phải đi làm mà là tôi đang đi tận hưởng cuộc sống. Điều đó hoàn toàn có thể cảm nhận được từ cách bài trí văn phòng của chúng tôi: sáng tạo, vườn cây, ánh sáng, tiểu cảnh… tất cả đều tạo nên sự thoải mái trong tư duy làm việc.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Bài: Nguyễn Lan - Ngọc Nhi
Thiết kế: Trần Lâm