Chân dung chủ tịch Tập đoàn Xây dựng 168: Đại gia âm thầm đứng sau những gói thầu nghìn tỷ

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam đã tham gia 25 gói thầu và tổng giá trị trúng thầu lên tới hơn 16.000 tỷ đồng...

Chân dung chủ tịch Tập đoàn Xây dựng 168: Đại gia âm thầm đứng sau những gói thầu nghìn tỷ

Tập đoàn Xây dựng 168 nổi lên như một "kép phụ" đáng gờm trong làng đấu thầu khi chiếm lĩnh nhiều gói thầu nghìn tỷ. Doanh nghiệp này còn gây chú ý bởi các mối quan hệ thân thiết đầy ẩn tình với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Tập đoàn Thuận An. Nhất là khi hai đại án liên quan tới hai đơn vị này đều ít nhiều dính líu cái tên Xây dựng 168, càng gây nhiều tò mò trong ngành.

Chính điều đó đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về Tập đoàn Xây dựng 168. Ai là người đứng sau giúp doanh nghiệp mới 12 năm tuổi này chinh chiến khắp Bắc - Nam và lớn nhanh như thổi?

CHÂN DUNG TẬP ĐOÀN XÂY DỰNG 168

Theo Thương gia tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam được thành lập vào ngày 27/12/2012, tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. Công ty gồm có 5 cổ đông sáng lập, bao gồm các ông bà: Đinh Tuấn Hưng, Ngô Vi Việt Cường, Lê Thu Hiền, Phùng Tuấn Anh và Hoàng Diệu Linh. Trong đó, ông Phùng Tuấn Anh (sinh năm 1984) là người đại diện theo pháp luật.

Ban đầu, Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam có số vốn điều lệ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, sau đó đến ngày 31/7/2015 tăng lên 30 tỷ đồng. Nhưng chỉ một năm sau (vào tháng 6/2016), doanh nghiệp này bất ngờ tăng gấp 5 lần vốn lên tới 150 tỷ đồng và có cuộc cách mạng thay tên đổi chủ.

Theo đó, nhân tố mới xuất hiện là ông Nguyễn Ngọc Hoà (sinh năm 1973) đảm trách vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đồng thời, ba cổ đông lớn của công ty là Ngô Vi Việt Cường, Lê Thu Hiền và Hoàng Diệu Linh đã thoái toàn bộ vốn. Hiện chỉ còn lại ông Đinh Tuấn Hưng và ông Phùng Tuấn Anh, mỗi người nắm giữ 5% cổ phần.

Nên biết, thời điểm trên ông Hoà cũng đang giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1).

Ngay khi nắm giữ công ty, vị Chủ tịch mới đã quyết định khoác cho Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam một diện mạo hoàn toàn mới. Công ty chuyển trụ sở về trung tâm thủ đô, tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội thay cho địa chỉ cũ nằm ở ngoại thành (huyện Thanh Trì) để bắt đầu một cuộc viễn chinh giống "anh cả đỏ" Cienco1 trước đây - bá chủ trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông cả nước.

Điều đáng nói, chỉ hơn một năm sau khi về làm Chủ tịch (vào tháng 12/2017), ông Hoà đã thoái lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT nhường ghế cho ông Trần Văn Thuý (sinh năm 1965). Sau đó, ông Thuý tiếp tục nhường ghế cho ông Huỳnh Tiến Phong (sinh năm 1963). Và mãi tới tháng 3/2021, ông Hoà mới quay lại vị trí này. Đồng thời, ông Huỳnh Tiến Phong vẫn tiếp tục làm việc cho ông Hoà với vai trò là Tổng giám đốc.

Nếu chỉ nhìn vào những thông tin trên bề mặt, câu chuyện dường như không có gì nổi bật. Tuy nhiên, hành trình phát triển của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 và sự thăng trầm của doanh nhân tuổi Quý Sửu Nguyễn Ngọc Hoà lại gắn chặt với Cienco và Tập đoàn Thuận An, khiến mọi thứ trở nên phức tạp và ly kỳ hơn nhiều.

Ông Hoà không chỉ giúp Cienco trong việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải mà còn là nhân tố quan trọng hỗ trợ ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, trên con đường phát triển sự nghiệp. Chính những mối quan hệ và vai trò chiến lược này đã giúp Tập đoàn Xây dựng 168 dễ dàng lọt vào những gói thầu hàng nghìn tỷ đồng, bất chấp những cạnh tranh khốc liệt và sóng gió trong ngành.

Hành trình của ông Hoà và Tập đoàn Xây dựng 168 không chỉ là câu chuyện về sự phát triển đáng gờm của một doanh nghiệp mà còn là một bức tranh đầy màu sắc về sự kết nối, hậu thuẫn và những chiến lược tinh vi trong thế giới kinh doanh đầy biến động. Những mắt xích này đã giúp họ không chỉ trụ vững mà còn thăng hoa, tạo ra những bước tiến ngoạn mục khiến giới kinh doanh không thể không chú ý.

MẮT XÍCH QUAN TRỌNG TRONG NHỮNG CUỘC "VIỄN CHINH" VỚI CIENCO VÀ THUẬN AN

Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam dù "sinh sau đẻ muộn" so với các tổng công ty Nhà nước nhưng đã nhanh chóng trở thành cái tên đáng gờm, có số có má trong ngành giao thông vận tải chỉ sau 12 năm.

Để có thành tựu như vậy không thể không nhắc tới Cienco, đặc biệt là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1). Và chính Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hoà cũng đã từng khẳng định, Cienco1 là bệ phóng lớn cho sự nghiệp của ông.

anh-chup-man-hinh-2024-05-23-luc-114045-8184.png
Hình ảnh Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hoà (bên phải), thời kỳ còn làm ở Cienco 1

Ông Hoà đã có một hành trình dài gắn bó với Cienco1, cũng như làm việc tại Cienco6 và Cienco8. Tại Cienco1, ông giữ chức Phó Tổng Giám đốc từ năm 2014. Đến ngày 6/5/2015, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Phạm Dũng. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng, vào ngày 10/10/2015, ông Hoà bị miễn nhiệm. Phải đến ngày 27/2/2017, Hội đồng quản trị Tổng công ty mới họp và thống nhất bầu lại ông Hòa giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2014-2019.

Sự nghiệp của ông Hoà tại Cienco1 không dừng lại ở đó. Ông tiếp tục giữ chức vụ này cho đến ngày 17/5/2021, khi Cienco1 ra quyết định tạm bãi nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024 đối với ông Nguyễn Ngọc Hoà.

Những biến động trong sự nghiệp của ông Hòa tại Cienco1 đã vẽ nên một bức tranh đầy kịch tính về hành trình của một doanh nhân quyết liệt, không ngừng tìm kiếm và khẳng định vị thế của mình trong ngành xây dựng và giao thông vận tải.

Chưa kể, đế chế của ông Nguyễn Ngọc Hoà kéo dài nhiều năm, trùng với thời kỳ đầy biến động của Cienco1 khi đơn vị này bị cuốn vào đại án Út "trọc" khét tiếng. Doanh nghiệp nhà nước này sau khi cổ phần hóa đã rơi vào tay "nhóm lợi ích", dẫn đến việc cựu Chủ tịch Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai và hàng loạt lãnh đạo khác của Cienco1 bị tuyên án tù vì những sai phạm nghiêm trọng.

Thêm nữa, đây cũng chính là thời kỳ Tập đoàn xây dựng 168 (thời kỳ về tay ông Hoà) phát triển một cách mạnh mẽ. Cụ thể, trước năm 2014, các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải vẫn chủ yếu được giao cho các Cienco thực hiện. Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam lúc mới thành lập chỉ là thầu phụ, liên kết với các tổng công ty xây dựng công trình giao thông nhà nước, đặc biệt là Cienco1, tại các dự án lớn như Pháp Vân – Cầu Giẽ, Hà Nội – Thái Nguyên, và nâng cấp QL1A đoạn Bình Định – Phú Yên.

Sau đó, nhờ bệ phóng là Chủ tịch Hoà và sự hỗ trợ của Cienco 1, Tập đoàn xây dựng 168 đã vươn lên trở thành nhà thầu chính tại các dự án lớn như: Dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tuyến tránh Pleiku, QL30 Đồng Tháp…

Với những cơ hội làm ăn béo bở như vậy sẽ khó lòng để một người có tham vọng và tư duy nhạy bén như ông Nguyễn Ngọc Hòa ngồi yên một chỗ. Vào tháng 5/2022 (chỉ một năm sau khi rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Cienco1), ông Hoà được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận An. Như vậy, cùng một thời điểm, ông Hoà tiếp tục làm lãnh đạo tại hai doanh nghiệp tư nhân lớn, và cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Nên biết, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận An chính là doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với Tập đoàn Thuận An (doanh nghiệp có dàn lãnh đạo mới bị khởi tố và bắt giam). Cụ thể, ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An) cùng với ông Trần Quang Tuấn và bà Dương Thị Bích Liên thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận An vào năm 2015.

Khởi điểm, công ty này có số vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, trong đó ông Hưng nắm 70%, ông Tuấn 25% và bà Liên 5%.

Thời điểm ông Hòa về làm Chủ tịch của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận An, ông Hoà đã có quyết định đổi tên công ty này thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thuận An và duy trì đến thời điểm hiện tại.

Quan hệ thân tình giữa ông Nguyễn Ngọc Hoà và Cienco 1, cùng sự liên kết mật thiết với dàn lãnh đạo Tập đoàn Thuận An, đã góp phần giải thích vì sao Tập đoàn Xây dựng 168 lại dễ dàng lọt vào những gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng trong suốt những năm qua. Những mối quan hệ này không chỉ đóng vai trò đòn bẩy mà còn là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa cho Tập đoàn Xây dựng 168 tiến sâu vào những dự án đình đám.

Bằng cách tận dụng sự hậu thuẫn từ những tên tuổi lớn và mối quan hệ chặt chẽ trong ngành, Tập đoàn Xây dựng 168 đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng và gia tăng sức mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải, trở thành một thế lực mới đầy uy lực. Những mắt xích kết nối chặt chẽ này đã giúp ông Hoà và Tập đoàn Xây dựng 168 không chỉ trụ vững mà còn thăng tiến vượt bậc, bất chấp những sóng gió và biến động trong ngành.

NHỮNG ẨN TÌNH "KHÓ HIỂU"

Và nếu mọi chuyện chỉ dừng ở trên thì cũng chưa thể thấy hết được mọi ẩn tình của Tập đoàn Xây dựng 168, cùng với tư duy lãnh đạo nhạy bén, hơn người của Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hoà trong việc điều hành Tập đoàn Xây dựng 168.

Đáng chú ý, theo đăng ký kinh doanh năm 2016, Tập đoàn Xây dựng 168 đã thay đổi vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng tiếp lên 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, cơ quan thuế chỉ ghi nhận vốn điều lệ của tập đoàn này chỉ là 75,233 tỷ đồng, đến cuối năm 2022 mới tăng lên 110,140 tỷ đồng. Như vậy, dù đã qua 6 năm nhưng cổ đông của Tập đoàn Xây dựng 168 vẫn chưa góp đủ số vốn điều lệ, trong khi theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn tối đa để góp đủ vốn điều lệ chỉ là 90 ngày.

"Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua".

Vi phạm này, dù có xảy ra, cũng chỉ dẫn đến mức xử phạt hành chính, nhưng đã làm dấy lên nghi ngờ sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp về năng lực thực sự và mức độ tuân thủ pháp luật của Tập đoàn Xây dựng 168.

Những câu hỏi được đặt ra: Làm sao một doanh nghiệp giành được những gói thầu trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, luôn đảm nhận những dự án trọng điểm của quốc gia, lại có thể vi phạm pháp luật về vốn điều lệ như vậy? Điều gì đang thực sự diễn ra đằng sau bức màn của Tập đoàn Xây dựng 168?

Câu chuyện này không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là một hồi chuông cảnh báo về tính minh bạch, năng lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn trong việc tham gia vào các dự án công.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Năm 2024 thực sự là một năm bội thu đối với cổ đông Masan Consumer với những bước tiến vượt bậc, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng mà còn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các nhà đầu tư...

GS.TS. Phạm Hùng Việt giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ về giá trị khoa học và tính ưu việt của các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc

Cần sự chung tay nhiều bên để tài sản trí tuệ đi vào cuộc sống

“Chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc tạo ra giá trị bền vững từ tri thức. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ”...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...