Bất kỳ một doanh nghiệp nào dù nhỏ hay to thì giá trị cốt lõi chính là con người. Con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển, quyết định mọi sự thành - bại của doanh nghiệp. Thế nhưng, các doanh nghiệp bất động sản lại đang phải đối mặt với nguy cơ đó - bị chảy máu chất xám.
Khi nhân viên có lòng, nhưng không có sức...
Ước mơ trở thành chuyên gia ngành marketing đã đưa anh N rời bỏ quê hương sang Anh du học. Trong vòng 8 năm, từ một chàng trai mới chập chững bước vào đời, anh N đã trở thành người xuất sắc trong lĩnh vực marketing tại Anh, với 4 năm kinh nghiệm ở những tập đoàn lớn và vô số những thành tích nổi trội.
Nhưng tình yêu "vẫy gọi" và anh N quyết định trở về nước và đầu quân cho một một số doanh nghiệp nổi tiếng và sau đó anh dừng chân tại một tập đoàn bất động sản, với vị trí khá cao. Chớ trêu thay, khi đã dần quen với doanh nghiệp, mối quan hệ với các tỉnh thành và các cơ quan chức năng thì cuộc "khủng hoảng" thị trường bất động sản nổ ra.
Và sau gần 2 năm chèo chống cùng ông chủ của mình, anh N đã phải nói lời chia tay. "Thực tình, tôi có lòng, nhưng không có sức... Một mình tôi thì không sao, nhưng tôi vẫn phải lo cho gia đình. Lúc ấy lại có ông anh cùng ngành rủ sang doanh nghiệp anh làm, tôi được chia cổ phần, doanh nghiệp đó có tương lai, chứ không bế tắc như tập đoàn cũ. Sau nửa năm đắn đo, tôi quyết định đi...", anh N chia sẻ.
Và có lẽ, anh N không phải là nhân sự giỏi duy nhất rời bỏ doanh nghiệp bất động sản khi thị trường bị đóng băng. Vì theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia, nhưng cũng là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ, cũng đã trải đủ chuyện thành bại và thấu hiểu câu chuyện mất người - chảy máu chất xám cho rằng, vấn đề của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là không bán được sản phẩm, vốn bị siết chặt, không có doanh thu để trả cho người lao động, giữ chân họ. Do đó, doanh nghiệp đành phải chấp nhận câu chuyện để người lao động ra đi.
Theo ông Hiếu, đối với một doanh nghiệp thì có 3 yếu tố chính: Con người, vốn, sản phẩm. Hiện, cả 3 yếu tố này đang bị rất giới hạn. Riêng đối với thị trường bất động sản, rất nhiều lãnh đạo có năng lực trong ngành bất động sản đã bị lôi kéo, rút ra khỏi thị trường. Có thể do họ chủ động chuyển sang ngành khác, hoặc họ bị lôi kéo sang, do đó, việc chảy máu chất xám trong thị trường bất động sản là hiện hữu.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, chưa đến nỗi thị trường bất động sản khủng hoảng không có lao động. Vì rất nhiều lao động cấp thấp (môi giới, nhân viên văn phòng,...) vẫn trụ được với thị trường và họ sẵn sàng trở lại khi thị trường được phục hồi, thì với những lãnh đạo tầm trung trở lên, họ vẫn có thể cố bám trụ được.
"Nhưng nếu 6 tháng tới, thị trường không cải thiện thì có thể dẫn tới tình trạng "mất máu" rất nghiêm trọng. Và nó cùng với 2 yếu tố còn lại là sản phẩm không phù hợp và dòng vốn bị siết chặt sẽ tạo sự sụp đổ cho thị trường. Lúc này, nỗi đau cho doanh nghiệp là quá lớn", ông Hiếu chia sẻ.
...Thì doanh nghiệp bị tổn thất lớn
Theo anh T - chủ một tập đoàn bất động sản cho biết, giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp chính là nhân lực - con người. Một nhân viên gắn bó với doanh nghiệp càng lâu thì càng giúp doanh nghiệp tránh được lãng phí, tạo ra lợi nhuận,...
Để đào tạo và có được một nhân viên giỏi tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian, trong đó quan trọng nhất là thời gian. Ví dụ, để đạo tạo một lãnh đạo của một doanh nghiệp bất động sản thì ngoài kiến thức, trình độ họ có thì doanh nghiệp còn phải phải đào tạo để họ am hiểu luật pháp, hiểu về các chính sách của Chính Phủ; am hiểu về nội tình kinh doanh (doanh nghiệp, địa phương, đối thủ,...),...
Mỗi lãnh đạo như vậy sẽ có rất nhiều mối quan hệ (sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp,...) và để có mối quan hệ thì phải bỏ rất nhiều tiền đầu tư. "Trung bình, một lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp tôi mỗi tháng sẽ được chi 50 triệu tiền ngoại giao, vậy 1 năm sẽ là 600 triệu đồng, 5 năm con số này đã là 3 tỷ đồng/người. Cứ vậy mà nhân lên. Và đây chỉ là chi phí ngoại giao, chưa tính tới các chi phí khác", anh T nói.
Do đó, khi bị chảy máu chất xám - mất người chính là mất tài sản quý báu của doanh nghiệp. Những người gắn bó với doanh nghiệp lâu thì mới là người hi sinh vì doanh nghiệp, họ có thể giảm lương, nhận cổ phần, cổ tức của doanh nghiệp. Nhưng đến khi không thể trụ được họ nữa, họ cũng sẽ ra đi.
"Bạn hãy cứ ngẫm, tín dụng đóng, dự án không có người mua, doanh nghiệp đã mất máu rồi, giờ mất nhân lực - là mất máu nội tại thì doanh nghiệp sẽ chết khô, cuối cùng chỉ là một xác sống. Lúc này, những doanh nghiệp mới khác sẽ thu hút nhân tài, vì họ có lượng tiền sẽ mua dần lại dự án, thâu tóm dự án, săn người từ các đơn vị, lại mở ra những doanh nghiệp mới, thương hiệu mới", anh T chia sẻ.
Theo anh T, đây là quy luật của nền kinh tế, của thị trường mà các doanh nghiệp bất động sản hiện nay nhìn thấy nhưng phải chấp nhận. Lớp sóng trước tan thì lớp sóng sau ào lên,... sẽ luôn là như vậy. Đó cũng chính là nhịp sống của thị trường theo chu kỳ.
Với tình hình hiện nay, anh T cho rằng, doanh nghiệp bất động sản như các anh chỉ có thể chờ chết hoặc phải biến đổi mình thành mô hình mới, thu gọn, tinh giảm, giữ cái gì cần giữ, buông cái gì cần buông. Nhưng một khi đã buông thường mất rất nhiều thứ...
Đồng tình với anh T, anh D - một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, chuyện mất chất xám là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, đơn vị nào khi gặp vấn đề cũng sẽ có những chính sách cho giai đoạn khó khăn và vẫn sẽ có những người ở lại. "Nhưng thường chi phí quá lớn nên họ sẽ bị mất người người giỏi, doanh nghiệp lúc này thường chỉ giữ lại bộ khung xương mà thôi", anh D nói.
Theo anh D, đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay thì chuyện chảy máu chất xám đã, đang và sẽ xảy ra, chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Và vấn đề giữ chân được nhân sự giỏi hay không có lẽ là một bài toán khó.