Đó là nhận định chung của các chuyên gia, đại biểu có mặt tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 – 2023, diễn ra ngày 10/3 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức.
Các doanh nghiệp BĐS đang “tiến thoái lưỡng nan”
Theo nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã trải qua một năm 2022 với sự khởi sắc nhất định. Nhưng cùng với đó, những “cơn bão” cũng đã liên tục ập đến khiến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư bị suy giảm nghiêm trọng.
“Chưa bao giờ, số lượng cấp phép dự án mới và giao dịch trên thị trường lại thấp đến vậy. Cũng chưa bao giờ, số lượng nhân sự ngành bất động sản, đặc biệt là lực lượng môi giới bị cắt giảm trầm trọng như hiện nay” – ông Toan nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhìn nhận, niềm tin sụt giảm, thanh khoản thấp là những khó khăn rất lớn đối với thị trường bất động sản hiện nay. Các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt nhiều “cơn bão” đổ về.
Đưa ra con số cụ thể, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay, năm 2022 thị trường bất động sản đã phải chứng kiến sự suy giảm mạnh, cộng đồng doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng đến 40%.
“Những khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay được gói gọi trong bốn chữ “tài chính, pháp lý”. Cụ thể, có đến 65% khó khăn về mặt pháp lý và 20% liên quan đến nguồn vốn. Song, kể cả 20% khó khăn liên quan đến dòng vốn cũng bắt nguồn từ pháp lý. Nói cách khác, những vướng mắc về pháp lý là nguồn cơn dẫn đến nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng” - TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đa số các chuyên gia phát biểu tại Diễn đàn cũng đều chung nhận định, năm 2022 là một năm vô vàn khó khăn đối với thị trường bất động sản. Trong đó, có hai vướng mắc chính đang đẩy các doanh nghiệp địa ốc rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” là tắc nghẽn dòng vốn và pháp lý chồng chéo, có nhiều bất cập.
Chính phủ đồng hành, doanh nghiệp lượng sức
Nhận thấy được tình trạng khó khăn trên thị trường hiện nay, Chính phủ, Quốc Hội cũng đang cố gắng tháo gỡ những bất cập về pháp lý. Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, để thị trường nhanh chóng hồi phục, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế và vai trò của Nhà nước cũng cần phải thể hiện rõ ràng. Bởi đột phá về thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng nhìn nhận, thời gian tới cũng sẽ có một số tín hiệu tích cực để nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đặt niềm tin, đó là lãi suất có khả năng sẽ giảm và Chính phủ cũng đang có những động thái hỗ trợ. Song, những động thái của Chính phủ cần phải rõ ràng, quyết liệt hơn nữa để đi đến hiệu quả thực chất.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP. Invest Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, doanh nghiệp bất động sản nên biết tự lượng sức mình, phải biết khả năng của mình đến đâu, sức chịu đựng đến giới hạn nào mới có thể đi được đường dài. Đặc biệt với những khó khăn trên thị trường, đầu tiên, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình như tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.
“Doanh nghiệp cần phải biết lượng sức mình, nếu sức có thể gánh được 60kg thì chỉ cần cần gánh 40kg thôi mới có thể đi được đường dài” – Ông Hiệp ví von.
Góp ý ở khía cạnh khác, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một điểm căn bản của thị trường bất động sản cần hướng tới là mọi giao dịch phải chính quy hóa, trừ những giao dịch mang tính cá nhân. Mọi giao dịch của doanh nghiệp bất động sản phải thông qua sàn. Bên cạnh đó, 3 luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (PV)) phải ra đời đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường minh bạch.
“Đối với các doanh nghiệp, muốn lên tàu thì phải mua vé, phải biết bỏ đi những thứ rườm rà, gây cản trở. Phải tin tưởng giai đoạn tới khốc liệt hơn nhưng thành công cũng cao hơn” – Ông Chung nhấn mạnh.
Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, hơn lúc nào hết, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích. Tự thân doanh nghiệp cũng phải bắt đầu cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện của thị trường và doanh nghiệp.
“Đặc biệt trong năm 2003, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là phân khúc có nhu cầu lớn. Phát triển được phân khúc này, chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được bài toán đầu ra” - Ông Chiến khẳng định.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, năm 2023 doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Các đại biểu cho rằng, đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơi đối với doanh nghiệp.
Đến giữa năm 2024 thị trường bất động sản mới khởi sắc?
Dù có nhiều lạc quan về thị trường bất động sản sẽ khởi sắc vào cuối năm 2023, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP. Invest Nguyễn Quốc Hiệp dự báo, đến giữa năm 2024 mới có thể phục hồi, khi hành lang pháp lý các luật đã xác định rõ ràng.
"Tâm lý chung của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất phân vân, không biết Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sẽ trói mình lại hay sẽ mở ra, nên doanh nghiệp sẽ cẩn trọng để không rơi vào vòng luẩn quẩn, khó khăn hơn", ông Hiệp chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng thừa nhận 2023 là năm chờ đợi, tâm lý thị trường đang đi xuống nên chưa thể khởi sắc. Vì thế, các doanh nghiệp bất động sản cần phải nghĩ ra giải pháp để tự cứu mình trong giai đoạn này.