Mới đây, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) Mai Hữu Tín vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu TTF để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 23/11-22/12, phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Trước giao dịch, ông Tín không sở hữu cổ phiếu TTF nào. Nếu giao dịch thành công, ông Tín sẽ sở hữu 10 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,43% vốn điều lệ của TTF.
Bối cảnh đăng ký mua của vị Chủ tịch là cổ phiếu TTF liên tục bị bán tháo. Cụ thể, từ ngày 29/3-15/11, cổ phiếu TTF giảm 82% từ 17.200 đồng về 3.100 đồng/cp và sau đó hồi phục trở lại trong 3 phiên gần đây.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 18/11 là 3.780 đồng/cp, ước tính ông Tín sẽ phải bỏ ra 37,8 tỷ đồng để mua vào 10 triệu cổ phiếu TTF.
Kể từ khi tham nắm quyền lực tại Gỗ Trường Thành đến nay, ông Tín chưa từng mua cổ phần doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty Đầu tư U&I (công ty riêng do ông Tín làm chủ tịch HĐQT) vẫn có sở hữu 29 triệu cổ phiếu TTF, là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 7% vốn.
Ông Tín và U&I tham gia vào thời điểm "tăm tối" nhất của Gỗ Trường Thành sau bê bối hàng tồn kho và khoản phải thu hàng nghìn tỷ đồng năm 2016, cùng nhiều thách thức khác mà các nhóm giải cứu trước đó đều bỏ cuộc.
Sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, đến tháng 6/2020, nhà sáng lập Võ Trường Thành và con trai Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với Gỗ Trường Thành, doanh nghiệp sau đó cũng có nhiều bước tiến quan trọng trong kinh doanh và giải quyết khó khăn tài chính.
Sau khi tất toán các khoản nợ xấu để có thể vay thương mại trở lại, Gỗ Trường Thành đã bắt đầu tạo ra lợi nhuận trong 2 năm gần nhất. Theo kế hoạch 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.269 tỷ và lợi nhuận gần 73 tỷ đồng.
Báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy kết quả chưa quá tích cực. Doanh thu thuần lũy kế tăng gần 40% lên 1.516 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại giảm 35% về 7 tỷ đồng. Qua đó công ty mới hoàn thành 68% chỉ tiêu doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thông tin về lãnh đạo cấp cao đăng ký sở hữu cổ phần giúp cổ phiếu TTF có sự hồi phục với 3 phiên tăng trần liên tiếp lên 3.780 đồng, nhưng vẫn giảm 80% từ đỉnh (hồi cuối tháng 3). Theo đó, số tiền ông Tín dự chi trong đợt này là gần 38 tỷ đồng.