Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình: Tôi bất ngờ vì rất nhiều chủ đầu tư vẫn đang sử dụng... excel

Tham luận tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2022 - 2027, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/6 với chủ để “Thực tiễn chuyển đổi số ngành xây dựng, bất động sản", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định, chuyển đổi số hiện nay không phải sự lựa chọn mà là bắt buộc.

Bởi theo ông Trương Gia Bình, vì chúng ta đã bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chấm dứt thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, chuyển sang “cá nhanh ăn cá chậm”.

Năm bài toán lớn ngành bất động sản đang gặp phải

Ông Trương Gia Bình cho biết thêm, ngành bất động sản, xây dựng của Việt Nam có tính đặc thù và việc chuyển đổi số đem lại lợi ích khổng lồ. Bởi ngành bất động sản, xây dựng đã trở thành cấu thành kinh tế quan trọng bậc nhất góp phần tăng trưởng GDP cho nền kinh tế suốt thời gian qua. Nhiều đề án đầu tư lên tới hàng tỷ USD, kéo dài nhiều năm với hàng nghìn nhà thầu.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình

Tuy nhiên, ông Bình dẫn ra năm bài toán lớn mà ngành bất động sản, xây dựng đang gặp phải. Thứ nhất, việc quản lý hàng nghìn nhà thầu cùng một lúc, nếu không hiệu quả gây thất thoát lên tới 30% vốn đầu tư, chậm tiến độ. Thứ hai, vấn đề kiểm soát chất lượng công trình và nguồn nhân lực triển khai. Thứ ba, quản lý bán hàng, giải câu hỏi: "Làm sao có thể bán hàng nhanh nhất ra thị trường, nhất là mặt hàng mà người tiêu dùng cẩn trọng, cần dữ liệu đầy đủ, minh bạch", cũng là bài toán lớn.

Thứ tư là quản lý tài chính và nguồn vốn. "Điều tôi bất ngờ là rất nhiều các chủ đầu tư ở Việt Nam vẫn đang sử dụng excel, khi hỏi về các chỉ số tài chính trong ngày, thực trạng công trình... thì không trả lời được. Đây là thách thức trước một bài toán về quy mô", ông Bình nói.

Một đặc thù khác của ngành bất động sản là thủ tục phức tạp, pháp lý kéo dài đến 5-7 năm cũng đặt ra yêu cầu bức thiết về giải pháp.

Người đứng đầu FPT khẳng định, mặc dù những bài toán này đã được giải quyết một cách tương đối trọn vẹn. Nhưng chuyển đổi số sẽ là giải pháp toàn diện cho ngành bất động sản, xây dựng Việt Nam.

Chuyển đổi số - Giải pháp toàn diện cho ngành bất động sản, xây dựng

Là một ông lớn trong làng công nghệ, FPT đã đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số cho ngành bất động sản từ những bước đầu, do đó vị chủ tịch tập đoàn cho rằng doanh nghiệp có sự thấu hiểu những thách thức về ngành. Nhờ đó FPT có các giải pháp và sẵn sàng giải các bài toán khác biệt của Việt Nam.

Chuyển đổi số là giải pháp toàn diện cho ngành bất động sản, xây dựng
Chuyển đổi số là giải pháp toàn diện cho ngành bất động sản, xây dựng

“Chúng tôi đã tìm ra giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho ngành bất động sản Việt Nam. Rất may mắn cho FPT là chúng tôi đi hai chân: Một chân trong nước và nước ngoài, tích lũy các ngón nghề của nước ngoài qua 20 năm hợp tác, đặc biệt là doanh nghiệp Singapore, từ xây dựng, bất động sản, nhà hàng, giải trí, siêu thị… FPT đã xây dựng cho doanh nghiệp nước ngoài nền tảng chuyển đổi số với nhận thức về thực tiễn kinh doanh. Chúng tôi cũng đã đi vào lời giải cho Việt Nam” – Chủ tịch FPT nói.

Ông Bình cho biết, với 150 quy trình đặc thù cho ngành bất động sản, robot AkaBot của FPT làm việc thay con người 100%, thuộc Top 10 trên thế giới. Sử dụng trí tuệ nhân tạo theo kiểu rất Việt Nam giúp bất động sản sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

“Thật ngạc nhiên, chúng ta có thể đầu tư rất nhiều thứ, có thể mua những chiếc xe xuất sắc nhưng không hề biết nó đem lại những lợi ích gì nhưng đầu tư thông minh nhất với giá không đáng kể thì không làm. Một số tập đoàn, đặc biệt là Vingroup dùng chuyển đổi số sớm nên tốc độ dự án nhanh kinh ngạc, ngay cả nước ngoài cũng phải ngạc nhiên. Một số tập đoàn như Coteccons, Đất Xanh… đã bắt đầu chuyển đổi số mang lại hiệu quả khổng lồ, tiết kiệm thời gian (30%), tiết kiệm tiền bạc, nguồn nhân lực, vòng quay vốn nhanh” – Chủ tịch FPT nói.

Ông Bình cũng dẫn ra nghiên cứu và đánh giá của FPT, khách hàng, đối tác, chuyển đổi số có thể tăng 30% tiến độ, tăng 25% doanh thu, tăng 40% sự hài lòng khách hàng, giảm 5% chi phí dự án, tăng 5%-15% tỷ trọng doanh thu của khách hàng mới, giảm 1%-5% chi phí dự án.

"Chúng ta đứng trước cơ hội lớn về chuyển đổi số. FPT hy vọng hợp tác với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam để có những hoạt động chung, như khuyến khích phát triển nhà thông minh, giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích cho khách hàng" - ông Bình chia sẻ.

Xem thêm

Lo ngại “siết” tín dụng quá mức sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “ngộp thở”

Lo ngại “siết” tín dụng quá mức sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “ngộp thở”

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 05/06/2022, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại của thị trường và bày tỏ lo ngại nếu siết tín dụng quá mức sẽ khiến “đứt gẫy” dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “ngộp thở”.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…