Kết phiên cuối quý 1/2023, VN-Index dừng ở mức 1.064,64 điểm, tăng 5,7% so với cuối năm 2022. Như vậy, VN-Index đã ghi nhận đà tăng liên tiếp 9 phiên nhờ dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng quay lại.
Phát biểu tại cuộc họp của tổ công tác Thủ tướng Chính phủ về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa tổ chức cuộc họp lần thứ 3, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính đã góp phần khôi phục niềm tin cho thị trường chứng khoán.
"Qua đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong quý 1/2023, thị trường chứng khoán vẫn có những tín hiệu tích cực. Hoạt động của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết thêm, Uỷ ban Chứng khoán đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc. Trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...
"Uỷ ban sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường nhằm tăng kỷ luật, hướng đến sự phát triển minh bạch và bền vững”, ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.
Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước được ban hành từ Luật, Nghị định đến Thông tư.
Cùng với việc Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản quy định đầy đủ các điều kiện, hồ sơ, quy trình, chế độ công bố thông tin và cơ chế giám sát, phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường.
“Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang theo đúng định hướng về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đã bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng", ông Dương nói.
Trước dự báo còn nhiều thách thức, vị Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng đã nêu ra một số giải pháp trung và dài hạn nhằm ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ nhất, cần rà soát tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp) đối với các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ là các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức...
Thứ hai, phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt hệ thống các quỹ đầu tư (trong đó bao gồm quỹ đầu tư trái phiếu).
Thứ ba, tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản...