Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên tăng mạnh khi dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động nới lỏng, thúc đẩy sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất…
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 383,19 điểm, tương đương 1,14%, lên 34.029,69 điểm; S&P 500 tăng 54,27 điểm, tương đương 1,33%, ở mức 4.146,22 điểm; và Nasdaq Composite thêm 236,94 điểm, tương đương 1,99%, lên 12.166,27 điểm.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng hơn 1%, với các cổ phiếu siêu vốn hóa nhạy cảm với lãi suất như Apple Inc, Microsoft Corp và Amazon hỗ trợ sự phục hồi cho Nasdaq nặng về công nghệ tăng gần 2%. Đây là mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất trong gần một tháng.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, tất cả trừ bất động sản đều đã kết thúc phiên giao dịch với mức tăng ấn tượng, trong đó dịch vụ truyền thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu ghi nhận mức tăng lớn nhất là 2,3%.
Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu của Delta Air Lines Inc đã giảm 1,1% sau khi công ty không đạt được lợi nhuận trong quý đầu tiên.
Cổ phiếu của hãng xe máy Harley-Davidson Inc mất 1,7% vì thông báo Giám đốc tài chính Gina Goetter sẽ rời công ty vào cuối tháng 4.
Trong khi đó, Groupon Inc tăng 4,0% sau khi công ty bổ nhiệm ông Jiri Ponrt kế nhiệm ông Damien Schmitz làm giám đốc tài chính.
Cổ phiếu Netflix Inc cũng tăng 4,6% nhờ báo cáo của Wedbush cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ những người đăng ký mới có thể thúc đẩy lợi nhuận cho nhà phát hành trực tuyến.
S&P 500 đã công bố 12 mức cao mới trong 52 tuần và một mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 69 mức cao mới và 140 mức thấp mới.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,40 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 11,51 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Dữ liệu kinh tế mới, được công bố trước tiếng chuông kết thúc phiên, cho thấy sự hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến đối với giá sản xuất và các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới. Cả hai đều báo hiệu rằng chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed, bắt đầu từ hơn một năm trước, đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 đã giảm 0,5% so với tháng trước. Trong khi đó, chỉ số giá bán buôn cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, giảm 0,1% so với tháng trước, khác với dự đoán trước đó của các nhà khảo sát Dow Jones.
Dữ liệu PPI một lần nữa giúp xác nhận xu hướng hạ nhiệt của lạm phát, song song với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Giá tiêu dùng tăng 5% trên cơ sở hàng năm, mức tăng nhỏ nhất trong gần hai năm.
David Carter, chuyên gia đầu tư tại Ngân hàng Tư nhân JPMorgan ở New York, cho biết: “Các thị trường phục hồi hôm nay sau dữ liệu lạm phát mới. Vì mọi thứ vẫn đang được coi là phụ thuộc vào Fed nên bản chất sẽ là phụ thuộc vào tình hình lạm phát”.
"Cùng với dữ liệu CPI, chỉ số PPI cho thấy lạm phát đang chậm lại, điều này có thể đồng nghĩa với việc Fed sớm nới lỏng việc thắt chặt chính sách”, ông David Carter nói thêm.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường tài chính đang đặt cược khoảng 32% khả năng ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng tăng lãi suất và duy trì lãi suất mục tiêu trong khoảng 4,75% đến 5%.
Giờ đây, sự tập trung của các nhà đầu tư sẽ chuyển sang mùa báo cáo thu nhập quý đầu tiên của năm 2023, mở đầu với bộ ba ngân hàng lớn, Citigroup, JPMorgan Chase & Co, Wells Fargo & Co.
“Báo cáo thu nhập của các ngân hàng lớn vào ngày mai có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về sức khoẻ của ngành ngân hàng khu vực và hoạt động cho vay trong tương lai," ông David Carter lưu ý.
Các nhà phân tích kỳ vọng tổng thu nhập của S&P 500 trong quý đầu tiên sẽ thấp hơn 5,2% so với quý trước, một sự đảo ngược rõ rệt so với mức tăng trưởng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào đầu quý, theo Refinitiv.