Chuyển đổi số: 6 kinh nghiệm đúc kết từ 3 năm chuyển đổi của Rạng Đông

Xuất phát điểm là doanh nghiệp sản xuất truyền thống, Rạng Đông vươn lên thành doanh nghiệp dẫn đầu làn sóng chuyển đổi số ở Việt Nam nhờ chiến lược biết mình, biết người.

Chuyển đổi số không hề dễ dàng, ngay cả ông lớn với hầu bao rủng rỉnh để đầu tư hạ tầng công nghệ. Theo một kết quả nghiên cứu trên 70 tập đoàn toàn cầu, chỉ 30% trong số đó đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ thành công thậm chí còn thấp hơn với chỉ 10% doanh nghiệp nhận thấy hiệu quả rõ ràng từ chuyển đổi số.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá bước đầu chuyển đổi số thành công, và nhận được nhiều bằng khen từ Bộ Thông tin và truyền thông, cùng nhiều giải thưởng khác.

Rạng Đông
Rạng Đông tăng trưởng hai chữ số sau chuyển đổi số (Nguồn: Rạng Đông)

“Chúng tôi thực hiện chuyển đổi số từ năm 2019. Trước đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông chỉ khoảng 6% đến 10%. Nhưng chỉ sau ba năm, dù gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Rạng Đông vẫn đạt mặt bằng tăng trưởng mới là 20%, gấp đôi so với trước khi chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết.

Để đạt được thành quả trên, theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Rạng Đông có 6 mục tiêu rõ ràng:

Xác định mục tiêu rõ ràng

Ngay từ ban đầu, Rạng Đông lựa chọn sứ mệnh cung cấp giải pháp đồng bộ dựa trên hai công nghệ lõi là chiếu sáng và vạn vật kết nối (IoT). Bên cạnh đó là mục tiêu ngắn và trung hạn rõ ràng, tới năm 2025-2030 trở thành doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực chiếu sáng trong nước.

Mục tiêu lớn đó được chẻ nhỏ thành các mục tiêu cụ thể hơn, từ doanh thu đến yêu cầu về tự động hóa, số hóa dữ liệu. Rạng Đông định hướng phát triển hệ sinh thái sản phẩm 4.0 dùng cho nhà thông minh (Smart Home), đô thị thông minh (Smart City) và nông nghiệp thông minh (Smart Farm).

Để thực sự trở thành nhà phân phối hệ thống giải pháp chiếu sáng thông minh toàn diện, thay vì chỉ bán các sản phẩm đơn lẻ, Rạng Đông phải chuyển dịch sang mô hình kinh doanh mới. Đây cũng là cách để công ty chuẩn bị cho những thay đổi về nhu cầu khách hàng trong tương lai.

Rạng Đông
Mô hình kinh doanh kỹ thuật số của Rạng Đông (Nguồn: Rạng Đông)

“Chúng tôi đã theo đuổi mô hình kinh doanh kỹ thuật số (Digital Business Model). Đây là mô hình kinh doanh do Học viện Công nghệ Massachuset (MIT) đề xuất. Trong đó, hướng tới kinh doanh đa kênh, mở rộng thương mại điện tử và phát triển O2O (Online to Offline và Offline to Online). Qua đó, Rạng Đông có thể đến gần hơn khách hàng và phác họa chính xác chân dung người dùng cuối”, ông Đoàn Kết cho biết.

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp

Rạng Đông hiểu rằng xuất phát điểm của họ là doanh nghiệp sản xuất truyền thống. Do đó, công ty quyết định xây dựng chiến lược chuyển đổi số dựa trên bốn trụ cột cơ bản.

Đầu tiên là phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ dựa trên cốt lõi là công nghệ chiếu sáng phục vụ khách hàng 4.0. Công ty nghiên cứu tích hợp giải pháp kỹ thuật số như IoT, điện toán đám mây (Cloud Computing), điện toán biên (Edge Computing), dữ liệu lớn (Big Data); đồng thời trang bị cảm biến và vi xử lý cho thiết bị sản xuất. Tất cả nỗ lực triển khai công nghệ này này nhằm tạo ra hệ sinh thái để Rạng Đông có thể ứng dụng tiếp vào ba lĩnh vực kinh doanh mới, gồm: Smart Home, Smart City và Smart Farm.

Dòng Smart Home, Smart City và Smart Farm là ba trụ cột của Rạng Đông (Nguồn: baoxaydung)
Dòng Smart Home, Smart City và Smart Farm là ba trụ cột của Rạng Đông (Nguồn: baoxaydung)

Với Smart Home, các sản phẩm Rạng Đông hoạt động dựa trên nguyên lý lấy con người làm trung tâm (Human Centric Lighting). Công ty tạo ra các kịch bản chiếu sáng khác nhau, cho phép cá nhân hóa theo nhu cầu sử dụng của từng người, từng không gian trong ngôi nhà. “Trong Human Centric Lighting, ánh sáng là yếu tố ảnh hưởng tới môi trường sống. Không chỉ để nhìn, ánh sáng còn tác động đến nhịp sinh học trong cơ thể con người. Càng ngày, nó càng trở nên đáng quan tâm khi đời sống dần được nâng cao”, ông Đoàn Kết giải thích.

Tương tự với Smart City, giải pháp Rạng Đông có thể giúp đô thị tiết kiệm điện sinh hoạt, giải quyết phần nào vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng. Còn về Smart Farm, sản phẩm Rạng Đông tích hợp IoT tạo ra giải pháp chiếu sáng phù hợp với trang trại thông minh, nuôi trồng động thực vật giá trị cao.

Linh hoạt trong công tác triển khai

Xuyên suốt hành trình chuyển đổi số, Rạng Đông đã cho thấy khả năng ứng biến nhanh nhạy tùy tình hình thực tế. Ban đầu, công ty cũng vấp phải vấn đề phức tạp về công nghệ do thiết bị trong dây chuyền sản xuất có nguồn gốc khác nhau, từ nhiều đời khác nhau.

“Chúng tôi không phải con nhà giàu để vứt đi hết máy móc, mua lại dây chuyền mới. Muốn xây nhà máy thông minh phải bỏ ra 2 triệu USD để mua giải pháp của Siemens, chứ chưa nói đến thiết bị. Thế thì phải nghĩ ra cách để máy móc, thiết bị cọc cạch nói chuyện với nhau (Machine to Machine). Liên Xô, Trung Quốc hay Hungary nói được tất”, ông Đoàn Kết chia sẻ.

Rạng Đông
Dây chuyền sản xuất LED SMD tiên tiến của Rạng Đông (Nguồn: Rạng Đông)

Chính trăn trở này thôi thúc đội ngũ chuyển đổi số của Rạng Đông bắt tay nghiên cứu kiến trúc hợp nhất các nền tảng mã nguồn mở (Open Platform Communications Unified Architecture - OPC UA). Nhờ OPC UA, thiết bị sản xuất “cọc cạch” dần trao đổi dữ liệu được với nhau. Từ đó, công ty xây dựng hệ thống điều khiển giám sát (SCADA), hệ thống điều khiển vận hành (Manufacturing Information System - MIS) đến hệ thống quản trị nguồn lực trong sản xuất (Manufacturing Resource Planning - MRP). Các hệ thống này lại được hỗ trợ bởi nhiều module quản trị nguồn lực, gồm quản lý tài chính, chuỗi cung ứng, nhân lực… Về đầu ra, Rạng Đông tiếp cận với các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số và quản lý vòng đời sản phẩm.

Tất cả mắt xích đó cấu thành nên hệ sinh thái Rạng Đông kết nối vừa ngang, vừa dọc. Luồng dữ liệu đi từ dưới lên, trong khi quyết định đi từ trên xuống dựa vào dữ liệu.

“Chúng tôi phải tìm mọi cách để học của người khác và vận dụng theo cách của mình. Làm sao để phù hợp nhất với những thứ mình có là con đường chúng tôi lựa chọn”, ông Đoàn Kết nói thêm.

Không ngừng cải thiện quy trình

Theo ông Đoàn Kết, chuyển đổi số là quá trình tích hợp giữa công nghệ vận hành (OT) và công nghệ thông tin (IT). Hai yếu tố này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra bản sao kỹ thuật số (Digital Twin - DT).

“Khi đưa cấu hình vật lý lên không gian số, chúng tôi có điều kiện để cải tiến quá trình và đem nó trở lại áp dụng. Khi đó, quy trình đã được nâng lên một bước và chúng ta lại quay trở lại để tạo ra bản sao số mới. Đấy chính là những vòng lặp chuyển đổi số”, ông nói.

Rạng Đông
Tối ưu quy trình giúp Rạng Đông nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh (Nguồn: Rạng Đông)

Là doanh nghiệp sản xuất truyền thống đã hoạt động hơn nửa thế kỷ, Rạng Đông không thể tránh khỏi quy trình lủng củng. Vì vậy, chuẩn hóa quy trình được coi như một trong những ưu tiên hàng đầu. Muốn tinh lọc, chuẩn hóa quy trình, Rạng Đông buộc phải ứng dụng công nghệ quản trị mới như Line, 6 Sigma, Kaizen, 5S, TPS… Ngoài ra là các tiêu chuẩn đánh giá mới như OKR hay ODA.

“Ở đâu cũng thế, quy trình nào cũng có bất cập. Chỉ khi số hóa ra một mặt phẳng thông tin chung mới có thể chuẩn hóa quy trình hiệu quả. Ngay cả khi đã được chuẩn hóa cũng không thể kỳ vọng nó là tuyệt đối. Chuẩn hóa quy trình phải đi từng bước. Sau khi chuẩn đi, chuẩn lại qua nhiều vòng lặp sẽ tiến gần tới quy trình tối ưu”, ông Đoàn Kết nhận định.

Thay đổi tư duy quản trị

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy trong quản trị nhằm hướng đến phát triển bền vững. Điều này không chỉ đòi hỏi lãnh đạo phải có nhận thức và quyết tâm, mà còn phải thay đổi góc nhìn thay vì đặt công nghệ lên trước.

Rạng Đông hiểu rằng công tác quản trị trong mô hình kinh doanh kỹ thuật số cần linh hoạt. Công ty đã chủ động chuyển đổi mô hình tổ chức, từ phân cấp chức năng tuyến tính sang ma trận để phá vỡ sự độc lập giữa các phòng ban (SILO). Qua đó, tạo ra mô hình nhóm hình chữ “T”. “Trong mỗi nhóm, lực lượng chính tác nghiệp trong một module và các lực lượng bổ trợ phối hợp theo mô hình agile để đảm bảo đảm bảo sự độc lập, phát huy tính linh hoạt và tinh thần sáng tạo của từng thành viên”, ông Đoàn Kết cho biết.

Định hình văn hóa đổi mới

Rạng Đông
Rang Dong TechDay là sự kiện thường niên thúc đẩy văn hóa đổi mới, sáng tạo (Nguồn: Rạng Đông)

Văn hóa đổi mới, sáng tạo được coi là nền tảng cho sản xuất thông minh của Rạng Đông. Mỗi năm công ty đều tổ chức hai ngày “Rạng Đông TechDay”, nơi ghi nhận sáng kiến của tất cả nhân viên từ công nhân đến kỹ sư. Theo ông Đoàn Kết, công nhân là những người giỏi nhất khi nêu ra các bài toán tự động hóa.
Tuy nhiên, văn hóa đổi mới chỉ thực sự phát huy tác dụng khi công ty áp dụng chiến lược đổi mới, sáng tạo mở (Open Innovation), nghĩa là kết hợp với các nguồn tri thức từ bên ngoài. Rạng Đông tham gia các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, kết hợp với các trường đại học để xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ cao. Gần đây, công ty hợp tác với Học viện Bưu chính Viễn thông xây dựng phòng thí nghiệm Smart Home và Smart City, cho phép sinh viên vào thực tập. Đây là cách để Rạng Đông thu hút nhân tài, tạo ra nguồn nhân lượng chất lượng cao dồi dào cho công ty.

Rạng Đông đang ở đâu trên hành trình chuyển đổi số

Trong hội nghị báo cáo kết quả chuyển đổi số giai đoạn 2020-2023 của Rạng Đông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận xét: “Chuyển đổi số chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc. Một hành trình dài khi mà kết thúc vòng lặp này thì lại mở ra vòng lặp tiếp theo và thông thường độ khó của các vòng lặp sẽ tăng theo cấp số nhân”.

Theo ông Dũng, trong những năm qua, Rạng Đông bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định. Khi tư tưởng đã thông, lý luận hình thành, công ty đã sẵn sàng cho vòng lặp thứ hai của chuyển đổi số.

Chắc chắn, Rạng Đông phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có với cương vị tiên phong chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Công ty sẽ đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng cho tổ hợp nhà máy tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Sản lượng dự kiến là 100 triệu sản phẩm chiếu sáng xanh, thông minh và điện tử công nghệ cao; đem lại công việc cho khoảng 1.400 người lao động khi dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động ổn định.

Rạng Đông
Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết phát biểu tại một sự kiện của VINASA hôm 27/4

Ngoài ra, ông Đoàn Kết cho biết Rạng Đông sẽ tiếp tục phát triển giải pháp chiếu sáng cho nông nghiệp thông minh. Trước mắt là hợp tác với một số trường đại học triển khai nguồn sáng phục vụ quá trình sinh trưởng của một số giống sâm quý của Việt Nam như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu…

“Với sâm, nguồn sáng kết hợp với hệ thống IoT bao gồm các cảm biến, vi xử lý, cơ cấu chấp hành và bộ điều khiển. Nó có thể tác động tới quá trình nhân giống, sinh trưởng và hàm lượng dưỡng chất của sâm. Ngoài sản phẩm ánh sáng tác động tới con người, tiết kiệm điện trong đô thị, ánh sáng dùng trong nông nghiệp công nghiệp là hướng phát triển của chúng tôi trong thời gian tới”, ông Đoàn Kết chia sẻ.

Xem thêm

490.000 doanh nghiệp SME tiếp cận chuyển đổi số

490.000 doanh nghiệp SME tiếp cận chuyển đổi số

60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp cho hay thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen,...
Chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức

Chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức

Chuyên gia Chuyển đổi số Nguyễn Trọng Đường (Bộ TT&TT) nhận định, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều.

Có thể bạn quan tâm

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

Giá iPhone 16 chính hãng hạ nhiệt

iPhone 16 chính hãng vừa được điều chỉnh giá bán, đây là cơ hội cho những ai muốn sở hữu chiếc điện thoại mới của nhà táo với mức giá hợp lý…

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…