Cơ hội tìm kiếm cổ phiếu trong dịch và hậu dịch Covid-19

Phân tích về thị trường và cơ hội đầu tư hậu Covid-19, ông Nguyễn Thế Minh – Giám Đốc Phân Tích CTCP Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam được định giá thấp nhất và tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Cũng theo ông Minh, Trung Quốc vẫn sẽ giữ vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á sẽ được đẩy nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều lợi thế nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và trình độ quản trị tốt trong khi các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải tiếp tục đầu tư mạnh về hạ tầng và nguồn nhân lực có trình độ nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.

Do đó, Việt Nam có thể một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển này, tuy nhiên sự dịch chuyển vẫn chủ yếu là những ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày hay lắp ráp linh kiện điện tử.

Vốn FDI đăng ký và điều chỉnh tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm cùng với giá thuê đất khu công nghiệp thiết lập mặt bằng mới bất chấp dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 sẽ là điểm cộng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc bao gồm: PHR, NTC, KBC, SZC.

Việc thúc đẩy đầu tư công có thể là biện pháp hữu hiệu để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam dự chi hơn 700 nghìn tỷ đồng (hơn 30 tỷ USD) cho đầu tư công trong năm 2020, số vốn này gấp 2.2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2020.

Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công bao gồm: HPG, KSB, DHA, CTI, FCN, C4G, CII.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 07/2020. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85.6% số dòng thuế, tương đương 70.3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ EVFTA bao gồm: TNG, MSH, CMX, MPC, VHC, FMC.

Cuộc cách mạng công nghệ sẽ được đẩy nhanh do sức ép từ dịch Covid- 19. Xu hướng công nghệ số 4.0 và số hóa quản trị doanh nghiệp dự báo sẽ được gia tăng mạnh mẽ hơn bởi sức ép của dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt là sau khi nền kinh tế dần ổn định trở lại. Doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghệ là FPT.

Ngoài ra, ngành điện hưởng lợi 2 lần từ dịch chuyển sản xuất và nguyên liệu đầu vào giảm. Việc thiếu hụt điện năng đạt 48 tỷ kWh vào 2025 với nhu cầu điện tăng trưởng 11%/năm, đồng thời ngành điện sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, khi đó nhu cầu điện sản xuất cũng sẽ tăng. Ngành điện cũng ghi nhận nhiều chính sách ưu đãi cho năng lượng sạch, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng rẻ, tiệm cận năng lượng truyền thống. Doanh nghiệp có định giá hấp dẫn bao gồm: POW, NT2, PC1.

Có thể bạn quan tâm