Cổ phiếu gạo tăng sốc: Cẩn trọng với con sóng lớn

Cổ phiếu ngành lương thực còn dư địa tăng trong dài hạn nhờ hưởng lợi từ giá xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh rằng, trong lịch sử, cổ phiếu ngành này mang đầy tính đầu cơ mùa vụ...

gạo .jpeg
Giá gạo tăng phi mã, cổ phiếu lương thực bắt sóng

Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến giá gạo liên tục tăng phi mã trong bối cảnh Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo. Điều này được giới chuyên gia đánh giá là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp ngành gạo của Việt Nam.

Theo đó, sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 4/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn.

Cùng với đó, gạo 25% tấm cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã chính thức vượt mức 4,2 triệu tấn, với giá trị 2,26 tỷ USD, tăng mạnh 21% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức tăng trưởng nửa năm cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.

CỔ PHIẾU GẠO NỔI SÓNG

Đồng pha với giá gạo xuất khẩu hiện nay, cổ phiếu của loạt công ty lương thực cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Điển hình nhất là cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang – Angimex.

Cụ thể, giai đoạn từ 24/7 - 4/8, giá cổ phiếu AGM đã tăng trần liên tiếp 10 phiên, nâng thị giá lên 11.900 đồng/cổ phiếu. Kết phiên 7/8, chuỗi tăng được nối dài lên 11 phiên, thị giá chạm 12.700 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm 21/7, giá cổ phiếu AGM đã gấp hơn 2 lần.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-10 lúc 16.48.39.png
Giá cổ phiếu AGM trong thời gian qua

Theo văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Angimex cho biết, hiện tại, thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam vẫn đang biến động tăng giá do tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine và ảnh hưởng từ khí hậu, cụ thể là tình trạng El Nino. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo khiến giá lương thực tăng vọt.

Về việc giá cổ phiếu tăng trần, Angimex cho rằng, là do cung cầu thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và công ty không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoán.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-10 lúc 16.48.55.png
Giá cổ phiếu VSF trong thời gian qua

Tương tự, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – CTCP (Vinafood2) cũng có chuỗi tăng trần 10 phiên liên tiếp. Mức tăng này của VSF thậm chí còn ấn tượng hơn AGM, khi tăng một mạch hơn 367% chỉ sau hơn 2 tuần, lên mức giá 37.400 đồng/cổ phiếu (kết giao dịch ngày 8/8). Đây cũng là mức cao nhất của VSF kể từ khi niêm yết đến nay.

Một điển hình khác là cổ phiếu MCF của Công ty Cổ phần Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm cũng ghi nhận chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 2 - 8/8, đưa thị giá cổ phiếu này vượt mệnh giá và chạm mức 13.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng gần 45% thị giá chỉ trong 5 phiên giao dịch.

Giải trình về diễn biến trên, MCF cho biết, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến, kinh doanh lương thực chiếm trên 80% doanh thu hằng năm của công ty. Gần đây, giá gạo trên thị trường thế giới và trong nước có dấu hiệu tăng mạnh. Nắm bắt được thông tin thị trường, nhà đầu tư tìm kiếm các mã chứng khoán liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực để đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

“Do đó, giá cổ phiếu MCF tăng hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán”.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-10 lúc 16.49.18.png
Giá cổ phiếu MCF trong thời gian qua

Ngoài ra, còn rất nhiều mã cổ phiếu ngành gạo tăng phi mã từ vùng đáy giá hồi cuối năm 2022 như PAN tăng 80%, LTG, TAR tăng gấp đôi, đưa thị giá các cổ phiếu ngành gạo này nhanh chóng chạm mức giá cao nhất trong vòng hơn 10 tháng, thậm chí lên vùng giá cao nhất gần 2 năm.

GIÁ GẠO KHÔNG ĐỒNG PHA VỚI KẾT QUẢ KINH DOANH

Một điểm đáng chú ý, cổ phiếu nhóm gạo nổi sóng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2 không mấy khả quan, có những doanh nghiệp lợi nhuận giảm tốc, thậm chí, có doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ.

Trong số đó, Angimex là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ảm đạm nhất. Doanh thu thuần hợp nhất của công ty này trong quý 2 giảm 88% so với cùng kỳ, về còn 163 tỷ đồng còn lỗ sau thuế hơn 33 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này đẩy số lỗ ròng của AGM sau 6 tháng đầu năm lên gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 6 tỷ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-10 lúc 17.00.35.png

Trong quý 2/2023, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi lên sàn UPCoM hồi đầu năm 2019.

Theo giải trình, Trung An kinh doanh thua lỗ chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài. Lũy kế nửa đầu năm 2023, dù doanh thu thuần của TAR tăng trưởng 46% đạt 2.513 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt vỏn vẹn 605 triệu đồng, giảm tới gần 99% so với cùng kỳ.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN) ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, PAN mang về hơn 5.309 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt hơn 105 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Vinafood2, trong quý 2/2023, công ty ghi nhận 6.867 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 125% so với cùng kỳ. Song, công ty chỉ lãi vỏn vẹn 9 tỷ đồng do giá vốn cao và chi phí bào mòn. Còn tính từ đầu năm đến nay, VSF lãi 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-04 lúc 10.24.42.png

Điểm sáng nổi bật nhất của ngành thuộc về Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG), ông lớn ngành gạo ghi nhận doanh thu thuần quý 2 đạt 3.678 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên hết gần 327 tỷ đồng, Lộc Trời đã lãi sau thuế gần 425 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Lộc Trời đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 4%. Trong đó, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 67%, tương đương 4.219 tỷ đồng (tăng 24% so với nửa đầu năm 2022). Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút.

THẬN TRỌNG TRƯỚC NHỮNG CƠ HỘI LỚN

Dự báo triển vọng ngành gạo từ nay tới cuối năm, một số công ty chứng khoán kỳ vọng giá có thể tăng do giá gạo tiếp tục tăng, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam do đồng baht của Thái Lan tăng giá. Bên cạnh đó, lãi suất giảm và đi vào thực tiễn từ nửa cuối năm giúp giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho các doanh nghiệp gạo…

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nhóm cổ phiếu gạo thường bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ, mà cụ thể là giá gạo thời gian gần đây tăng rất mạnh.

BÁN GẠO.jpeg

Nguyên nhân là bởi trong bối cảnh El Nino xuất hiện và có khả năng kéo dài sang năm 2024 đe dọa đến nguồn cung lương thực toàn cầu; ngoài ra sau Ấn Độ, đến Nga và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng cấm xuất khẩu gạo, làm giá lương thực tăng vọt. Do đó, ngành gạo Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng được kỳ vọng hưởng lợi.

Tuy nhiên, ông Minh đánh giá đà tăng của nhóm gạo mang tính chất đầu cơ và có tính ngắn hạn vì giá gạo thường cũng chỉ mang tính chu kỳ trong thời gian ngắn.

"Cổ phiếu nhóm này hút dòng tiền khi doanh nghiệp "được mùa", và từ đó đón sóng cổ phiếu. Dù vậy sau giai đoạn này, cổ phiếu lúa gạo sẽ khó hút tiền từ nhà đầu tư vì chỉ số ROE của nhóm này thấp hơn nhiều so với các ngành khác", ông Minh đặt vấn đề.

Ngoài ra, lúa gạo là ngành kinh doanh nhiều rủi ro, khó đoán trước, phụ thuộc vào thời tiết. Mặt khác, dòng tiền vào nhóm này cũng mang tính đầu cơ bởi có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 2/2023 không tốt song giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh, do đó nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ trước khi xuống tiền.

Ông Nguyễn Thế Minh lưu ý thêm rằng, không phải các doanh nghiệp gạo đều hưởng lợi như nhau khi giá hàng hóa tăng, bởi, nhóm gạo gồm 2 loại: Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu; hai là thương mại. Vị chuyên gia này đánh giá nhóm sản xuất và xuất khẩu có ROE cao hơn, ổn định hơn và rủi ro thấp hơn.

Thực tế cho thấy, giá gạo tăng không phải là tin vui đối với tất cả các doanh nghiệp có liên quan tới mặt hàng này. Điển hình như Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Safoco (mã chứng khoán: SAF) - doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ gạo như nui, bánh tráng, hủ tiếu, mì khô… Giá gạo tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng mạnh, từ đây sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà đầu tư nên thận trọng trước việc mua đuổi cổ phiếu khi giá cổ phiếu ngành gạo tăng mạnh. Việc "bắt bóng khi chưa thấy hình" cũng hàm chứa rủi ro cực lớn. Quá khứ đầy rẫy những ví dụ về việc ham mê đuổi theo đà tăng nóng của giá cổ phiếu để rồi đau đớn nhìn cổ phiếu tụt dốc không phanh khi thực tế khác xa với kỳ vọng.

Thực tế cũng cho thấy, trong 2 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu ngành gạo bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh.

Cụ thể, sau loạt phiên “tím trần”, cổ phiếu AGM đã quay đầu giảm kịch sàn trong ngày 9 và 10/8. Đặc biệt trong phiên ngày 10/8 còn dư bán sàn tới 2,4 triệu đơn vị. Diễn biến điều chỉnh mạnh cũng xảy ra đối với các mã VSF, TAR, LTG...

Xem thêm

Nợ xấu phình to, ngân hàng ồ ạt thanh lý bất động sản

Nợ xấu phình to, ngân hàng ồ ạt thanh lý bất động sản

6 tháng đầu năm 2023, hầu hết nợ xấu tại các ngân hàng đều có chiều hướng tăng lên, song hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là biệt thự, “sổ đỏ”, nhà máy…

Nhiều doanh nghiệp lãi lớn nhờ khoản thu bất thường

Muôn kiểu vượt lỗ của doanh nghiệp niêm yết

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi lớn nhờ những khoản lợi nhuận đột biến từ thanh lý tài sản, thoái vốn công ty con, đầu tư chứng khoán, đem tiền gửi ngân hàng trong quý 2/2023 thay vì hoạt động từ kinh doanh cốt lõi...

Có thể bạn quan tâm

Tân CEO toàn cầu của Hyundai, ông Jose Munoz tại buổi ra mắt mẫu IONIQ 9 ở California (Mỹ)

Hyundai trình làng mẫu IONIQ 9 hoàn toàn mới

Hyundai Motor vừa ra mắt mẫu SUV điện ba hàng ghế IONIQ 9, nhắm đến phân khúc xe gia đình cỡ lớn với tiềm năng lợi nhuận cao trong tương lai. Với phạm vi hoạt động vượt trội và khả năng sạc nhanh, mẫu xe này dự kiến sẽ cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc từ đầu năm sau…

Tuần này, giá xăng tiếp tục giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm

Trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 2 liên tiếp. Giá mới được áp dụng từ 15h ngày 21/11...

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đã tăng giá đáng kể, thậm chí có những dự án mức giá ngang bằng với chung cư thương mại...

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá vàng thế giới tăng cao nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang. Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều vượt ngưỡng 86 triệu đồng/lượng…