Theo đó, ngày 7/4, HOSE đã nhận được bản chính báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của doanh nghiệp. Căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán trong ba năm liên tiếp 2019; 2020; 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán, Victory Capital sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/Đ-CP ngày 31/12/2020.
Quy định này nêu rõ “1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: …h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;”.
Trước đó, vào giữa tháng 11/2021, công ty đã thông tin về kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện đối với cổ phiếu PTL tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Song, đến giữa tháng 12/2021, Hội đồng quản trị công ty bất ngờ thông báo hủy bỏ kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện, song song với đó là lên kế hoạch nâng vốn hóa lên 10.000 tỷ đồng và một số chiến lược phát triển, gồm thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thoái vốn.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 vừa diễn ra vào đầu tháng 3/2022, công ty đã thông báo đổi tên thành Victory Capital, tập trung vào mảng cốt lõi là kinh doanh bất động sản và định hướng tái cấu trúc từng bước lên mô hình tập đoàn theo các mô hình của công ty nước ngoài.
Được thành lập vào năm 2007, Victory Capital niêm yết 100 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán PTL trên sàn HOSE từ cuối năm 2010, với mức giá trong phiên giao dịch đầu tiên là 25.000 đồng/cổ phiếu.
Sau khi lên sàn và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận kỷ lục vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Petroland lao dốc không phanh kể từ năm 2012 với lý do thị trường bất động sản trầm lắng, và tính cạnh tranh cao.