Cổ phiếu thép "vào sóng", bất chấp căng thẳng điều tra chống bán phá giá

Cổ phiếu thép tỏ ra khá nhạy với cú bật tăng trở lại của giá thép. Cụ thể, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, giá thép thế giới bất ngờ đảo chiều tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản lượng giảm tạm thời đã lấn át mối lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu thấp...

Cổ phiếu thép "vào sóng", bất chấp căng thẳng điều tra chống bán phá giá

Trong phiên giao dịch ngày 21/8, nhóm cổ phiếu thép trên sàn chứng khoán Việt đồng loạt “nổi sóng” với sự dẫn dắt của SMC khi tăng kịch trần trắng bên bán.

Bộ đôi “ông lớn” ngành thép là HPG và HSG cũng hút mạnh dòng tiền, duy trì đà tăng trong suốt phiên. Một số mã khác cũng có diễn biến tích cực là NKG (+1,63%); TVN (+1,02%), GDA (+1,09%)…

Cổ phiếu thép tỏ ra khá nhạy với cú bật tăng trở lại của giá thép. Cụ thể, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, giá thép thế giới bất ngờ đảo chiều tăng mạnh. Giá thép thanh tương lai vừa có phiên tăng hơn 6% qua đó leo trở lại trên mốc 3.000 CNY/tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản lượng giảm tạm thời đã lấn át mối lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu thấp.

Sản lượng thép thô tại Trung Quốc đã giảm 9,5% trong tháng 7 do nhu cầu giảm mạnh đã xóa sổ biên lợi nhuận của các nhà máy. Điều này hỗ trợ cho giá thép thanh tương lai, trong khi làn sóng đóng cửa lò hồ quang điện đe dọa sản lượng trong tháng 8. Dù vậy, so với thời điểm đầu năm, giá mặt hàng này đã giảm 23%.

Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã khiến nhu cầu về nhà ở mới giảm mạnh trong những năm qua, được nhấn mạnh bởi mức giảm hàng năm nhanh nhất về giá nhà kể từ năm 2015 trong tháng 7. Tình trạng dư cung nhà ở trên diện rộng đã khiến chính phủ Trung Quốc phải kiềm chế hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản lớn, ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tiêu thụ thép.

Giá thép hồi phục sẽ phần nào làm giảm bớt áp lực lên các nhà sản xuất thép trong nước khi lượng tồn kho vào cuối quý 2 còn khá lớn. Thời điểm 30/6/2024, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán ước tính vào khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ so với cuối quý 1 trước đó nhưng là mức cao thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.

Trước đó, nhiều cổ phiếu thép đã phát tín hiệu tạo đáy sau khi đã giảm mạnh từ đỉnh gần nhất. Nếu giá thép tiếp tục duy trì được xu hướng hồi phục, cổ đông ngành thép có thể kỳ vọng vào một nhịp đi lên ngắn hạn dù vẫn còn những cơn gió ngược.

Mới đây, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam, bao gồm thép không hợp kim và thép hợp kim. Quyết định này được đưa ra theo đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ, với cáo buộc thép Việt Nam được bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Ấn Độ. Trong năm tài chính 2023-2024, kim ngạch nhập khẩu thép của Ấn Độ từ Việt Nam đạt 722 triệu USD. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu HRC và thép tấm từ Việt Nam tăng 203%, từ 190.000 tấn lên 576.000 tấn trong giai đoạn từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024.

Bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc cũng bị cáo buộc bán phá giá vào Ấn Độ. Mối lo ngại chính là Trung Quốc có thể đang sử dụng các quốc gia thứ ba để đưa sản phẩm giá thấp vào thị trường Ấn Độ.

Đáng chú ý, vào ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương Việt Nam cũng ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Quyết định này dựa trên đơn kiến nghị của Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 173% sản lượng sản xuất trong nước. Trong đó, Ấn Độ cùng Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 1 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu thép của Việt Nam.

Các động thái điều tra lẫn nhau giữa Ấn Độ và Việt Nam phản ánh tình trạng cạnh tranh gay gắt trong ngành công nghiệp thép toàn cầu, đồng thời cho thấy thách thức trong việc cân bằng giữa bảo vệ sản xuất trong nước và duy trì quan hệ thương mại quốc tế.

Xem thêm

VN-Index sẽ hướng tới kháng cự 1.320-1.330 điểm trong thời gian tới

VN-Index sẽ hướng tới kháng cự 1.320-1.330 điểm trong thời gian tới

Nhà đầu tư cần hạn chế việc mua đuổi và kiên nhẫn chờ VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ mới mở thêm vị thế mua và gia tăng thêm tỷ trọng các mã cổ phiếu đang có lợi nhuận trong danh mục. Trong trung hạn, VN-Index sẽ hướng tới kháng cự 1.320-1.330 điểm trong thời gian tới...

Lướt sóng với những nhóm đang có xu hướng phục hồi từ vùng đáy

Lướt sóng với những nhóm đang có xu hướng phục hồi từ vùng đáy

Nhà đầu tư cân nhắc, tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để lướt sóng với những nhóm cổ phiếu đang có xu hướng phục hồi từ vùng đáy sau khi đã ghi nhận nhịp điều chỉnh mạnh trước đó, hoặc đang tiếp tục xu hướng đi lên trung hạn bất chấp nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn trước...

Có thể bạn quan tâm