Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, đến ngày 01/01/2023, theo quy định của Luật Cư trú thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị. Việc Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình này là rất có ý nghĩa để đánh giá khả năng thực thi của quy định nêu trên và đề ra các giải pháp xử lý vướng mắc nếu có trên thực tiễn.
Thực tế, để triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Cư trú năm 2020, nhất là nội dung liên quan đến việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Công an đã triển khai đồng bộ các nội dung.
Theo đó, Bộ Công an đã tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (dữ liệu đã được “làm sạch” hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chíp. Chính thức đưa vào vận hành khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 và đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân.
Liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, pháp luật về hộ tịch đã đi trước và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu, thông tin đã có trong các cơ sở dữ liệu của Nhà nước để tạo thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, kể cả việc không yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Đối với các thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đã được rà soát, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ bộ đã có phương án xử lý.
Trong đó, một số nội dung liên quan đã được xử lý tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Tại phiên giải trình, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực phối hợp của các Bộ, ban, ngành trong việc tiếp thu, xử lý những kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện quy định của Luật Cư trú.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính.
Cùng với đó là chất lượng cơ sở dữ liệu, công tác số hóa dữ liệu; tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cưu với các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành còn chậm; việc kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế. Việc cấp căn cước công dân chưa được hoàn thành, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử còn rất thấp và các yếu tố bảo đảm khác cho công tác triển khai quy định của Luật Cư trú.
Nhấn mạnh, đây là những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú nhất là khi thời điểm Sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực (ngày 01/01/2023) đang rất gần. Do đó, các đại biểu đề nghị trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương, tích cực cùng phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.