Có thể tăng thêm tỷ trọng từ tốn ở các mã đang có lợi nhuận

Xu hướng tăng điểm là hoàn toàn chiếm ưu thế trong các phiên gần đây khi áp lực giảm sâu là chưa có và VN-Index vẫn vận động trên đường trung bình MA200 ngày, nhà đầu tư nắm chặt danh mục và có thể tăng thêm tỷ trọng từ tốn ở các mã đang có lợi nhuận khi thị trường chung rung lắc...

Có thể tăng thêm tỷ trọng từ tốn ở các mã đang có lợi nhuận

Chứng khoán ngày 13/2, thị trường tiếp tục giữ diễn biến thận trọng khi mở cửa phiên giao dịch. Thị trường khởi động phiên khá ảm đạm với sự thận trọng của cả bên mua và bán, các chỉ số biến động hẹp quanh mốc tham chiếu với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen.

Tuy nhiên, khác những phiên trước, lực đỡ từ một số cổ phiếu lớn cùng với việc dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ giúp VN-Index nới rộng sắc xanh từ sớm.

Biến động của thị trường trở nên tích cực hơn vào cuối phiên khi số mã tăng áp đảo ở nhóm vốn hóa lớn, trong khi rất nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bứt phá mạnh mẽ. Sự tích cực của dòng tiền nội giúp xu hướng thị trường khởi sắc hơn bất chấp đà bán ròng từ khối ngoại chưa có dấu hiệu giảm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,44 điểm (0,27%) lên 1.270,35 điểm. Toàn sàn HOSE có 210 mã tăng, 229 mã giảm và 80 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,09%) lên 229,52 điểm, với 73 mã tăng, 87 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,94 điểm (0,97%) lên 97,74 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE ở mức tương đương hôm qua với 512 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 11.740 tỷ đồng (tăng 3,9%). Giá trị khớp lệnh sàn HOSE tăng 7% lên mức 10.842 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX tăng nhẹ 6% lên 720,8 tỷ đồng, trong khi giá trị giao dịch sàn UPCoM tăng 33% lên mức 769 tỷ đồng.

Sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn vẫn diễn ra tương đối mạnh. Trong đó, các cổ phiếu như GVR, VHM, PLX, TCB, MBB, CTG... đồng loạt tăng giá và góp phần nâng đỡ chỉ số. GVR phiên hôm nay tăng đến hơn 2,4%, VHM tăng gần 2%, PLX cũng tăng 1,6%.

Nhóm VN30 hôm nay ghi nhận 19 mã tăng trong khi chỉ có 8 mã giảm, nhưng VN30-Index phiên hôm nay cũng chỉ tăng nhẹ 0,16%, so chênh lệch biên độ giữa các mã.

Trong đó, FPT và MWG là hai cổ phiếu gây ra áp lực lớn. MWG chốt phiên giảm hơn 2,8%, sau thông tin phát hành gần 20 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1,3642%). FPT giảm 1,3% xuống mức 143.100 đồng. Ngoài ra, các cổ phiếu như GAS, BCM, VNM, SAB... cũng đều chìm trong sắc đỏ khi đóng cửa.

Tâm điểm của thị trường tập trung vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, các cổ phiếu thuộc nhóm khoáng sản đồng loạt bứt phá trở lại và ghi nhận nhiều mã tăng trần như BMC, MSR, KSV...

Bên cạnh đó, các cổ phiếu cảng biển – vận tải biển cũng biến động tích cực trở lại. TOS tăng gần 8%, MVN tăng 3,6%, TCL tăng 3,5%, HAH cũng tăng 2,3%. Tương tự, nhóm cao su cũng gây bất ngờ khi TRC được kéo lên mức giá trần, DPR tăng đến 5,5%, RTB tăng 5%...

Trái ngược với những gì diễn ra ở các nhóm cổ phiếu nói trên, nhóm bất động sản lại ghi nhận sắc đỏ áp đảo khi QCG giảm 2%, NLG mất 1,97%, NVL giảm 1,5%, NDN hay DXG cũng đều giảm trên 1%.

anh-chup-man-hinh-2025-02-13-luc-194043.png
Diễn biến chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Có thể tăng thêm tỷ trọng từ tốn ở các mã đang có lợi nhuận

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Liên tiếp là những phiên tăng/giảm đan xen trong thời gian gần đây. Hôm qua VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ thì hôm nay lại đảo chiều đóng cửa trong sắc xanh.

Điểm tích cực là lực cầu có chiều hướng gia tăng mạnh hơn và nhanh hơn tại vùng quanh mốc 1.260 điểm, qua đó giúp khối lượng khớp lệnh phiên hôm nay tăng nhẹ so với phiên hôm qua và vượt mức trung bình 20 phiên (+0,42%).

Tuy vậy, xu hướng tăng điểm là hoàn toàn chiếm ưu thế trong các phiên gần đây khi áp lực giảm sâu là chưa có và VN-Index vẫn vận động trên đường trung bình MA200 ngày. Chúng tôi tiếp tục quan điểm nắm chặt danh mục và có thể tăng thêm tỷ trọng từ tốn ở các mã đang có lợi nhuận khi thị trường chung rung lắc.

Duy trì sự thận trọng

Chứng khoán UP

Nhà đầu tư cần duy trì sự thận trọng, cân nhắc giữa việc tích lũy khi có dấu hiệu phục hồi và cắt giảm rủi ro nếu thị trường điều chỉnh sâu hơn, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng trong nhiều phiên liên tiếp.

Không nên mua đuổi cổ phiếu

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Thị trường đang vận động ổn định với sự cân đối của hai bên cung-cầu. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chọn lọc cổ phiếu thuộc nhóm ngành thu hút dòng tiền và dư địa tăng so với vùng kháng cự gần nhất còn nhiều để giải ngân từng phần.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên mua đuổi cổ phiếu khi đã có nhịp tăng mạnh và đang ở vùng đỉnh để phòng tránh rủi ro điều chỉnh. Một số nhóm ngành có thể cân nhắc tìm kiếm cơ hội đầu tư bao gồm hóa chất, vận tải-cảng biển, xăng dầu.

Tâm lý giao dịch đang tương đối tự tin

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Chỉ số VN-Index đảo chiều bật tăng và hình thành nến rút chân về cuối phiên. Lượng cung chủ động đẩy ra phần nào đã hạ nhiệt hơn trong phiên hôm nay, hạn chế lực cản lên dòng tiền khớp lệnh đuổi giá.

Nhìn chung, việc dòng tiền có sự chủ động tìm kiếm cơ hội giữa các lớp cổ phiếu đang phản ánh tâm lý giao dịch tương đối tự tin, đồng thời sẽ tạo thế giữ nhịp chắc chắn hơn cho thị trường.

Tiếp tục xu hướng rung lắc trong thời gian

Chứng khoán Asean

Trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ vừa trải qua phiên điều chỉnh sau khi dữ liệu lạm phát tháng 1 tăng so với tháng trước và cao hơn mức dự báo (CPI lõi tăng 0,4% trong tháng và 3,3% so với cùng kỳ năm trước).

Điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại rằng việc FED giữ nguyên lãi suất có thể kéo dài hơn, dù Tổng thống Trump đã có các phát biểu về việc lãi suất nên được hạ xuống để phù hợp với các chính sách thuế quan.

Theo đó, chúng tôi nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng rung lắc trong thời gian tới, cho tới khi các yếu tố vĩ mô dần ổn định hơn.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Chứng khoán LPBank có tân Chủ tịch

Chứng khoán LPBank có tân Chủ tịch

Với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán, ông Nguyễn Duy Khoa được hội đồng quản trị kỳ vọng sẽ đưa Chứng khoán LPBank (LPBS) bứt phá mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường trong 3 đến 5 năm tới.

Có thể bạn quan tâm

VNE có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc

VNE có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc

HOSE cảnh báo cổ phiếu VNE có nguy cơ bị hủy niêm yết do liên tiếp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán ba năm liền. Kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục thua lỗ nặng, đặt doanh nghiệp vào tình thế tài chính đầy rủi ro...