CTO Uber Thuận Phạm: 'Chính phủ không cần rót vốn cho startup'

Ông cho rằng để thúc đẩy khởi nghiệp, Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và không kỳ thị thất bại.
CTO Uber Thuận Phạm: 'Chính phủ không cần rót vốn cho startup'

Thuận Phạm là kĩ sư gốc Việt thành công nhất tại Thung lũng Silicon với hàng chục năm kinh nghiệm quản lý đội ngũ kỹ thuật ở những công ty công nghệ hàng đầu. Ông vừa trở về Việt Nam tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp do Uber khởi xướng.

Bên lề cuộc đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hôm nay, ông đã chia sẻ về những thách thức khi làm việc trong một công ty công nghệ hàng đầu, dành lời khuyên cho các startup cũng như vai trò của chính phủ trong phong trào khởi nghiệp.

Trở về Việt Nam lúc này, ông cảm nhận thế nào về phong trào khởi nghiệp trong nước?

Tôi cảm thấy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên khá cao. Nhìn chung, nhiều bạn trẻ có chí tiến thủ, khao khát vươn lên, chịu khó học hỏi.

Với cộng đồng khởi nghiệp, các bạn nên có một tư duy, triết lý, cách nghĩ đúng đắn: Luôn luôn phải hướng đến sự thay đổi. Bản chất của khởi nghiệp là tâm thế luôn sẵn sàng làm những thứ chưa từng có. Điều này đòi hỏi suy nghĩ sáng tạo, quyết liệt và táo bạo trong hành động, phải sẵn sàng chớp cơ hội khi thời cơ đến, không nên lo sợ trước những rủi ro.

Theo kinh nghiệm của ông, các startup nói chung và các startup công nghệ nói riêng thường mắc phải những sai lầm nào khi bắt đầu khởi nghiệp?

Khi mới bắt đầu, tôi biết nhiều startup trẻ nôn nóng, muốn nhanh chóng chinh phục thị trường, mở rộng hoạt động mô hình kinh doanh. Nhưng lời khuyên của tôi dành cho các bạn là đừng nghĩ đến việc đó vội. Trước tiên, các startup cần phải hiểu sâu sắc rằng sản phẩm, dịch vụ của mình đang nhằm giải quyết vấn đề gì cho xã hội, giúp ích gì cho người dùng, khách hàng.

Các bạn phải tìm được thị trường cho sản phẩm đã vì nếu không có thị trường thì bài toán nhân rộng mô hình cũng sẽ không xảy ra. Điều quan trọng với các startup khi mới phát triển ở giai đoạn đầu là làm sao để xây dựng, thiết kế sản phẩm thật tốt, tìm được thị trường phù hợp, được người dùng đón nhận, làm sao để sống sót và duy trì mô hình hoạt động ổn định.

Khi tôi bắt đầu làm việc cho Uber vào năm 2013, Uber chỉ mới có mặt trên thị trường được 3 năm. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ có khoảng 30.000 chuyến xe trên toàn cầu mỗi ngày. Đây là con số rất nhỏ so với khoảng 15 triệu chuyến ở thời điểm hiện tại. Trong 3 năm đầu phát triển, nhân rộng mô hình không phải là vấn đề trọng tâm trong phát triển của Uber mà là làm sao để tồn tại, làm sao để vận hành hệ thống ổn định.

Các startup nói chung cũng như các startup công nghệ nói riêng tồn tại là để giải quyết các vấn đề của xã hội. Các doanh nghiệp đều có một lý do để tồn tại rõ ràng, một sứ mệnh cần thực hiện. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Mỗi doanh nghiệp, công ty công nghệ cần tìm cách gia tăng giá trị hơn nữa cho các sản phẩm và dịch vụ hiện tại của mình.

Các startup cũng đừng nên e ngại thất bại bởi khởi nghiệp đồng nghĩa với thất bại. Bất kỳ một thành công nào cũng phải trải qua hàng ngàn thất bại trước đó. Tuy nhiên thất bại nào cũng có giá trị của nó, có thất bại mới có thể lớn lên từ những sai lầm.

Điều quan trọng là hãy phải chấp nhận sự thất bại ấy như một lẽ thông thường, không có sự kỳ thị hay thành kiến nào thì mới tạo ra không gian sáng tạo và phát triển một cách thoải mái nhất.

Các startup công nghệ Việt có thể áp dụng bí quyết nào của Uber trong quá trình phát triển công nghệ và xây dựng đội ngũ kĩ thuật?

Liên quan tới yếu tố công nghệ và kỹ thuật, các doanh nghiệp non trẻ hoàn toàn có thể tận dụng và bổ sung giá trị vào những giải pháp đã sẵn có trên thị trường, thay vì dành quá nhiều thời gian vào việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới.

Đằng sau sự phát triển của mỗi công ty công nghệ luôn là sự song hành của hai yếu tố kĩ thuật và con người. Thách thức không chỉ nằm ở việc phát triển công nghệ, mà còn là quản lý những người hoàn thiện và vận hành công nghệ ấy.

Tại Uber, chúng tôi chia toàn bộ các kĩ sư thành 50 - 60 nhóm, mỗi nhóm có một nhiệm vụ riêng biệt, với định hướng và lộ trình thực thi cụ thể. Có những nhóm chuyên phụ trách xây dựng hạ tầng lưu trữ, tính toán… để các nhóm khác dựa vào đó vận hành công việc trơn tru.

Bí quyết nằm ở cách bạn phân công với sự phân công hợp lý và rạch ròi về nhiệm vụ, công việc sẽ được giải quyết với tốc độ vượt trội. Bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là cần tạo môi trường để mọi người thẳng thắn chia sẻ các vấn đề, cùng giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau trong một tập thể đoàn kết.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Chính phủ trong thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như sự tác động này đến với các startup?

Việc đề cao sáng tạo trong công nghệ cũng như nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ Việt Nam là động lực lớn lao để Việt Nam đạt đến mục tiêu trở thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ không nhất thiết phải tài trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây nên là công việc của các nhà đầu tư, những người có chuyên môn đánh giá startup.

Vai trò của Chính phủ trong khởi nghiệp là ban hành những chính sách thông minh, sáng suốt, tạo ra các hành lang pháp lý để điều hòa và thúc đẩy các quan hệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Các quy định phải khuyến khích sự cạnh tranh, sự đổi mới sáng tạo và không kỳ thị thất bại. Vai trò quan trọng nhất của Chính phủ là tạo nền tảng để đảm bảo sự công bằng, cũng như tinh thần kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, startup. Đây chính là cơ sở để cho họ có thể cạnh tranh dựa trên ý tưởng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.

Đối với các bạn trẻ cho rằng mình đang phải đối mặt với rủi ro về chính sách khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi nghĩ các bạn đừng nên quan tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài mình. Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, cái mà các bạn cần quan tâm và chú trọng nhiều nhất là tìm ra vấn đề mình muốn giải quyết và sản phẩm/ dịch vụ mình cung cấp sau này sẽ làm được điều đó như thế nào.

Ở giai đoạn đầu, các tác động đến từ bên ngoài mà các bạn phải chịu gần như bằng 0. Chúng ta cần chủ động, đừng trông chờ vào Chính phủ hay bất kì các bên liên quan nào khác sẽ tạo điều kiện để mình hoạt động tốt hơn.

Ông có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội trên con đường khởi nghiệp, làm sao để sẵn sàng đón nhận những thách thức từ hành trình sắp tới?

Tôi muốn lấy chính câu chuyện của bản thân mình để truyền cảm hứng cho các bạn: Tôi chỉ là một người bình thường, nhờ chăm chỉ và một chút may mắn mà đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Nếu tôi có một lời khuyên cho tất cả các bạn thì đó là hãy làm việc chăm chỉ và rồi những cơ hội sẽ đến. Đừng nghĩ quá nhiều về con đường mình sẽ đi. Khi tốt nghiệp cách đây nhiều năm, tôi không thể hình dung được một ngày mình sẽ làm cho một trong những startup giá trị nhất toàn cầu. Bạn không thể lên kế hoạch chính xác cho chặng đường tương lai của mình. Điều mà bạn có thể làm là tận dụng mọi cơ hội để học hỏi.

Hãy nghiêm túc nghĩ về những công việc mà bạn sẽ chuẩn bị làm hay ngay như công việc mà bạn đang có. Nó có thử thách bạn không? Nó có thúc đẩy bạn phải bổ sung kiến thức hay học thêm những điều mới không? Bạn có sẵn lòng học những điều mới để phục vụ cho công việc đó không? Nếu bạn cảm thấy thực sự tẻ nhạt, không có động lực, không được thúc đẩy hay truyền cảm hứng từ công việc hiện tại thì có lẽ đây là thời điểm bạn nên cân nhắc để tìm một thử thách khác.

Nghe thì có vẻ hơi kỳ quặc nhưng hãy chọn những công việc mà có thể khiến bạn không thoải mái một chút, thậm chí khiến bạn sợ hãi. Trong một giới hạn nhất định, những điều đó sẽ thúc đẩy để bạn phải học hỏi thêm những cái mới phục vụ công việc.

Trong chặng đường làm việc của mình, tôi cũng đã một vài lần đổi công việc để tìm những thử thách mới. Mẹ tôi còn suýt lên cơn đau tim vì bà cho rằng tôi đã quá rủi ro với sự lựa chọn của mình. Tôi chưa bao giờ để mình cảm thấy quá thoải mái trong công việc.

Đến thời điểm nếu tôi cảm thấy như vậy, tôi biết mình cần phải tìm một thử thách tiếp theo. Hãy tận tâm, hãy cống hiến, hãy học hỏi và không ngừng tự nâng cao kiến thức, năng lực của bản thân. Làm những điều đúng đắn, trở thành một con người “đúng” rồi những điều tốt đẹp sẽ phải đến với bạn vào đúng thời điểm.

Tôi sẽ không thể làm ở Uber nếu như không trải qua một quá trình dài không ngừng học hỏi và rèn luyện như trên. Tôi không tìm đến với Uber, Uber đã tìm đến tôi. Các bạn tự nắm giữ trong tay cơ hội và con đường dành cho chính mình.

Theo Phương Nguyên/Vnexpress.net

>> Lối tư duy... thất bại trong khởi nghiệp

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…