Cùng với sự phát triển chung của thị trường chứng khoán cũng như của nền kinh tế, ngày càng nhiều công ty cổ phần tư nhân lên sàn. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán nhưng đi kèm đó cũng là nguy cơ thị trường chứng khoán bị lợi dụng bởi các công ty đại chúng "ảo" lên sàn để làm giàu cho các ông chủ.
Đã từng có những sự vụ vỡ lở như với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu mỏ và khoáng sản miền Trung (mã: MTM) mà hậu quả đến giờ vẫn còn. Từ mức vốn ban đầu 10 tỷ đồng, một số cá nhân đã làm giả danh sách cổ đông 103 người, giả chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng. MTM được đưa lên sàn UPCoM rồi xả cổ phiếu và thu về tiền mặt.
Từ trường hợp của Khoáng sản miền Trung, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy công thức của kế hoạch "bán giất lấy tiền" đều bắt đầu tư một công ty bình thường, thậm chí chỉ có vài ba cổ đông góp vốn thực hiện việc tăng vốn gấp gáp trước thềm niêm yết, sau đó đại chúng hoá công ty, cuối cùng là "thổi giá" cổ phiếu và "xả hàng".
Sở dĩ có thực trạng này là bởi Luật Chứng khoán cũ được thiết kế ban đầu nhằm khuyến khích doanh nghiệp lên sàn, thúc đẩy minh bạch hóa ở cấp độ thấp. Ngoài điều kiện về vốn, kết quả kinh doanh, điều kiện về tính đại chúng chỉ là có 100 cổ đông. Vì vậy một công ty hoàn toàn có thể thực hiện "đại chúng hóa" bằng cách kiếm đủ số lượng cổ đông nói trên. Đó có thể là phân phối lượng cổ phần nhỏ cho người lao động, mượn tên đứng hộ sở hữu cổ phần...
Nói cách khác, việc đại chúng hóa này không phản ánh thực chất của một công ty cổ phần đại chúng. Các ông chủ vẫn khống chế chủ yếu lượng cổ phần và đây là điều kiện hỗ trợ cho quá trình thao túng giá cổ phiếu sau khi niêm yết. Các công ty con, công ty thành viên, công ty liên kết cũng hoàn toàn có thể được sử dụng theo cách này để gia tăng tài sản cho công ty mẹ.
Do vậy, tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định hướng dẫn Luật vừa được ban hành ngày 31/12/2020 vừa qua, đã có thêm các quy định được thiết kế để ngăn chặn tình trạng này.
Theo quy định mới, ngoài điều kiện kỹ thuật về niêm yết cổ phiếu được nâng lên, trong Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 còn quy định: Trừ trường hợp các doanh nghiệp đại chúng hình thành từ cổ phần hóa và doanh nghiệp đại chúng hóa qua hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, các doanh nghiệp đại chúng khác phải được giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM tối thiểu 2 năm.
Việc phân thành 3 loại công ty được dán nhãn đại chúng đã khoanh vùng các công ty tự hóa thân thành đại chúng ở bước thứ hai nói trên. Nói cách khác, không phải cứ tìm được đủ 100 cổ đông và thỏa mãn các điều kiện còn lại là lên thẳng sàn niêm yết. Các công ty đại chúng "tự thân" dạng này sẽ phải có 2 năm đăng ký giao dịch tại UPCoM
Ngoài ra, Luật cũng quy định trừ trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa, tổ chức đăng ký niêm yết phải có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức đăng ký niêm yết từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Đồng thời nêu các điều kiện chi tiết trong trường hợp "niêm yết cửa sau" bằng hình thức sáp nhập giữa 1 công ty đang niêm yết và 1 công ty chưa niêm yết.
Điều này đồng nghĩa với việc, bước "đại chúng hoá" doanh nghiệp sẽ phải trải qua nhiều thủ tục hơn với sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý nhằm hạn chế tối đa "những cú lừa" trên thị trường chứng khoán, từ đó bảo vệ các nhà đầu tư, gây dựng niềm tin, tính minh bạch của thị trường.