Góc nhìn đa chiều về mối quan hệ của “cặp bài trùng” Donald Trump và Elon Musk

Mối quan hệ thân thiết giữa người đàn ông giàu nhất thế giới Elon Musk và người sắp thành Tổng thống quyền lực nhất thế giới Donald Trump đang mang đến cả kỳ vọng và lo ngại về tương lai của nền kinh tế và chính trị Mỹ…

1731529578935.jpg

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng vào đêm bầu cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gửi lời cảm ơn đến những người ủng hộ, gia đình và đội ngũ vận động của mình. Ông cũng không quên nhắc lại cam kết và trách nhiệm đối với cử tri Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, ông còn dành để nói về Elon Musk.

Trên thực tế, 17% thời gian của bài phát biểu được ông Donald Trump dành để ca ngợi “thiên tài siêu việt” Elon Musk, người đã tạm gác các công việc kinh doanh để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông.

Ông Trump không tiếc những “lời khen có cánh” cho sự hào phóng, tài năng của vị tỷ phú 53 tuổi và đặc biệt là sức mạnh công nghệ của các công ty do Elon Musk điều hành: “Đó là lý do tôi rất yêu quý anh, Elon”, Tổng thống Mỹ đắc cử bày tỏ.

MỐI QUAN HỆ THÂN THIẾT

Ngay cả trước bầu cử, Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, và Donald Trump, vị lãnh đạo “sắp” nắm quyền lực bậc nhất nước Mỹ, đã nhiều lần công khai thể hiện mối quan hệ gắn bó của họ.

Elon Musk được cho là đã chi một khoản tiền khổng lồ lên tới 200 triệu USD để hỗ trợ ông Trump trong suốt quá trình tranh cử. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động được cử tri tại các bang chiến địa, đặc biệt là những người ít quan tâm đến chính trị.

Ông Donald Trump, với hình ảnh một doanh nhân, rõ ràng rất tự hào khi nhận được sự ủng hộ từ một tỷ phú lừng danh như Elon Musk. Bên cạnh đó, việc ông Musk sở hữu mạng xã hội X và sử dụng nền tảng này để tích cực cổ vũ cho Tổng thống đắc cử cũng là một lợi thế lớn.

241119-donald-trump-elon-musk-mn-1605-a594ae.jpg

Hậu bầu cử, cả hai dường như còn khăng khít hơn. Elon Musk đã tháp tùng ông Donald Trump đến Washington để gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội, và ông Trump cũng tới Texas cùng Elon Musk theo dõi chuyến bay thử nghiệm tên lửa do SpaceX (công ty không gian Elon Musk sáng lập) tiến hành. Nhiều ý kiến cho rằng CEO Tesla có vẻ như đang tham gia vào mọi khía cạnh trong quá trình chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử.

Ông Elon Musk được đồn đoán là đã tham dự các cuộc thảo luận về ứng viên tiềm năng cho nội các, đồng thời chính ông cũng được bổ nhiệm làm đồng lãnh đạo một cơ quan mới mang tên “Bộ Hiệu suất Chính phủ” (Department of Government Efficiency - DOGE), với nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu lãng phí và chống chủ nghĩa quan liêu trong bộ máy chính quyền.

Tỷ phú Elon Musk thậm chí còn tham gia cuộc điện đàm của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Bên cạnh đó, ông Musk còn tự thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao không chính thức, chẳng hạn như gặp gỡ đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, theo tờ New York Times đưa tin.

Việc ông Elon Musk có thể mang đến sự nhạy bén trong kinh doanh cũng như tài năng công nghệ cho chính quyền Trump 2.0 là một viễn cảnh hấp dẫn. Một số ý tưởng táo bạo có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ, hiện chiếm khoảng 6% GDP, và cải cách bộ máy hành chính vốn luôn bị coi là kém hiệu quả.

RÀO CẢN PHÍA TRƯỚC

Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi được đặt ra về mức độ ảnh hưởng của Elon Musk trong chính quyền Trump 2.0. Mặc dù ông được coi như "cánh tay phải" của Tổng thống đắc cử, nhưng những nỗ lực để cắt giảm chi tiêu chính phủ hay đơn giản hoá thủ tục hành chính không phải là điều đơn giản, nhất là khi chúng sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ Quốc hội.

Cả ông Elon Musk và nhà đồng lãnh đạo DOGE Vivek Ramaswamy đều tuyên bố sẽ đề xuất những thay đổi mà ông Donald Trump có thể thực hiện một cách đơn phương mà không cần thông qua luật mới. Nhưng thời gian hạn chế – chỉ 18 tháng từ khi ông Trump nhậm chức đến ngày 4/7/2026 – cùng với các thách thức pháp lý có thể khiến hiệu quả của DOGE bị hạn chế.

Ngoài ra, việc ông Musk chỉ là cố vấn bên ngoài, không phải nhân viên chính phủ nên không chịu ràng buộc bởi các quy tắc đạo đức công vụ cũng sẽ làm giảm hiệu quả của DOGE vì nó sẽ giống một uỷ ban hơn là cơ quan chính phủ thông thường. Elon Musk sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải điều hành và không thể chuyên tâm dành toàn bộ thời gian cho các buổi họp tại Mar-a-Lago hay Nhà Trắng.

ap24326747627544-1732750565.jpg

Thậm chí, có nhiều người còn chỉ ra rằng lịch sử cho thấy mối quan hệ giữa các tổng thống và những nhà tài phiệt ủng hộ họ thường rạn nứt sau một thời gian. Điển hình như “ông trùm” báo chí William Hearst đã nhanh chóng “vỡ mộng” với Franklin Roosevelt, mặc dù ông từng nhiệt tình ủng hộ chiến dịch tranh cử đầu tiên của cựu Tổng thống Mỹ Roosevelt. Một trường hợp khác, tỷ phú ngành thép Andrew Carnegie - người hỗ trợ Theodore Roosevelt nhưng sau đó lại chẳng thể thuyết phục Tổng thống lắng nghe ý kiến của mình về chính sách đối ngoại. Cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt cũng đã có lần xung đột với J.P. Morgan, nhà sáng lập ngân hàng JP Morgan Chase, dù trước đó chính ông đã đích thân nhờ Morgan hỗ trợ để chấm dứt một cuộc đình công trong ngành khai thác mỏ.

Theo một số chuyên gia từ The Economist, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump không dễ dàng chịu ảnh hưởng từ phía Elon Musk. Ví dụ, CEO Tesla đã nhiều lần công khai kêu gọi bổ nhiệm ông Howard Lutnick làm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng Donald Trump chỉ trao cho ông Lutnick vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại. Có cả tin đồn rằng ông Musk đang tranh cãi gay gắt với các cố vấn lâu năm của ông Trump.

Ngay cả những ý kiến cho rằng ông Elon Musk có thể gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng có thể được nhìn theo hướng ngược lại. Mối quan hệ thân thiết với Tổng thống đắc cử có thể được coi là một bất lợi đối với hoạt động của Tesla và SpaceX ở bên ngoài nước Mỹ. Thử thách rõ ràng nhất là tại Trung Quốc, nơi hơn một nửa số xe Tesla được sản xuất. Điều này dường như đã trao cho chính quyền Trung Quốc một số đòn bẩy để có thể tác động đến ông Elon Musk, người thường hết lời ca ngợi Trung Quốc như một nơi lý tưởng để kinh doanh. Ông Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ lưu ý rằng Trung Quốc có rất ít mối liên hệ trong đảng Cộng hoà và họ hy vọng ông Elon Musk sẽ là cầu nối giúp củng cố quan hệ với chính quyền Trump.

Xem thêm

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

Chuẩn bị quay lại Nhà trắng lần thứ 2, ông Trump vẫn giữ những quan điểm cứng rắn: Tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trục xuất di dân... Nhưng ở một số lĩnh vực, Trump 2.0 có thể sẽ rất khác so với Trump 1.0.

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…

Giới tài phiệt Mỹ đang nghiêng về "đội Trump" hay "đội Harris"?

Giới tài phiệt Mỹ đang nghiêng về "đội Trump" hay "đội Harris"?

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã công khai lên tiếng ủng hộ các ứng viên tổng thống Mỹ trong cuộc đua 2024. Điều này một lần nữa thể hiện rõ mối quan tâm và sự đồng tình của giới kinh doanh Mỹ đối với các chính sách kinh tế mà mỗi ứng viên đại diện…

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…