Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Những quốc gia giàu có nhất thế giới không chỉ được định hình bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay quy mô dân số nhỏ, mà còn bởi các chính sách tài chính thông minh và khả năng duy trì sự thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động…

10-qg-giau-nhat-tg.jpg

Một số quốc gia nhỏ và giàu có - như San Marino, Luxembourg, Thụy Sĩ và Singapore - được hưởng lợi từ việc sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, lĩnh vực tài chính phát triển và hệ thống thuế hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài, nhân tài chuyên nghiệp.

Những quốc gia khác như Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất lại sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị như dầu mỏ, khí đốt, hay nhiều khoáng sản sinh lợi khác.

Vậy khi nói một quốc gia là "giàu có", chúng ta đang nói đến điều gì, đặc biệt trong thời đại bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng giữa tầng lớp siêu giàu và phần còn lại của xã hội?

Trong khi GDP là thước đo đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế và phản ánh rõ ràng sự biến động của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian; thì GDP-PPP đo lường giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong một quốc gia trong một năm dựa trên sức mua của tiền tệ địa phương. Chỉ số này mang đến cái nhìn chính xác hơn về mức sống trung bình của dân cư một quốc gia so với quốc gia khác. Do vậy, lý do mà khái niệm “giàu có" thường đi liền với "quốc gia nhỏ" là vì nền kinh tế của những quốc gia này có tỷ lệ lớn hơn so với số lượng cư dân.

Dưới đây là thống kê và thông tin về 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024, do Global Finance, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Triển vọng Kinh tế Thế giới tổng hợp:

1. Luxembourg

Dù có dân số nhỏ chỉ khoảng 670.000 người, nhưng Luxembourg lại là nơi có mức sống cao nhất trong Khu vực đồng Euro.

Sau đại dịch Covid-19, đất nước này đã chứng kiến đà phục hồi tốt hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia láng giềng khác: Nền kinh tế Luxembourg đã phục hồi từ mức tăng trưởng -0,9% trong năm 2020 lên hơn 7% trong năm 2021. Nhưng đáng tiếc, do lãi suất cao, chiến sự Nga-Ukraine và tình hình kinh tế khu vực suy yếu, đà phục hồi này đã không kéo dài được lâu.

Dù vậy, mức tăng trưởng yếu có lẽ cũng không đáng phàn nàn khi mức sống cao như vậy: Luxembourg đã vượt mốc GDP bình quân đầu người 100.000 USD vào năm 2014 và từ đó chưa bao giờ tụt lại.

2. Ireland

Cộng hòa Ireland từng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Sau khi thực hiện các biện pháp cải cách triệt để, quốc gia này đã khôi phục lại tình hình tài chính, tăng tỷ lệ việc làm và chứng kiến GDP bình quân đầu người tăng mạnh.

Ireland là một trong những thiên đường thuế doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Vào giữa thập kỷ 2010, nhiều công ty lớn của Mỹ như Apple, Google, Microsoft, Meta và Pfizer đã chuyển trụ sở tài chính sang Ireland để hưởng lợi từ mức thuế doanh nghiệp thấp chỉ vào khoảng 12,5%.

3. Singapore

Kể từ khi độc lập vào năm 1965, Singapore đã tự lực vươn lên nhờ lao động chăm chỉ và chính sách thông minh, trở thành một trong những nơi thân thiện với kinh doanh nhất trên thế giới.

Hiện tại, người giàu nhất sinh sống tại Singapore là một tỷ phú Mỹ. Eduardo Saverin, nhà đồng sáng lập Facebook, đã rời Mỹ vào năm 2011 và trở thành cư dân thường trú của quốc đảo này. Giống như nhiều đại gia khác, ông Saverin không chọn Singapore chỉ vì các điểm tham quan đô thị hay cảnh quan tự nhiên mà là bởi Singapore là một thiên đường tài chính nơi thu nhập từ lãi vốn và cổ tức không phải chịu thuế.

4. Qatar

Sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, trong khi dân số chỉ vào khoảng 3 triệu người, Qatar vẫn luôn giữ vững được vị thế top đầu trong nhóm những quốc gia giàu có nhất thế giới suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên, không quốc gia nào là không có vấn đề. Với chỉ 20% dân số là người có quốc tịch Qatar, đại dịch Covid-19 năm 2020 đã lây lan nhanh chóng trong cộng đồng lao động di cư có thu nhập thấp, từ đó dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao nhất khu vực. Ngoài ra, là một nền kinh tế xuất khẩu, Qatar cũng chịu ảnh hưởng từ sự gián đoạn thương mại toàn cầu do chiến sự Nga-Ukraine. Những bất ổn từ cuộc xung đột tại Gaza cũng ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Qatar vẫn duy trì được đà phục hồi hậu đại dịch và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2024 và 2025.

5. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)

Nền kinh tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trước đây phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, đánh bắt cá và buôn bán ngọc trai. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi dầu mỏ được phát hiện vào những năm 1950.

Ngày nay, kinh tế của UAE ngày càng đa dạng hóa, với ngành du lịch, xây dựng, thương mại và tài chính chiếm vai trò quan trọng bên cạnh ngành công nghiệp năng lượng truyền thống.

6. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ, với khoảng 8,8 triệu người dân, nổi tiếng với các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, du lịch, cùng việc xuất khẩu các sản phẩm dược phẩm, đá quý, kim loại quý, và các thiết bị đắt đỏ như đồng hồ và máy móc y tế.

Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu 2023 của Credit Suisse, Thụy Sĩ lại đứng đầu thế giới về tài sản trung bình của mỗi người dân, lên tới 685.230 USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Thụy Sĩ cũng không miễn nhiễm với những khó khăn. Đại dịch và cuộc chiến Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, đẩy giá năng lượng lên cao và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thêm vào đó, vào năm 2022, ngân hàng Credit Suisse suýt bị sụp đổ và may mắn được cứu vãn sau vụ sáp nhập với UBS. Mặc dù vậy, Thụy Sĩ vẫn giữ vững vị thế là trung tâm ngân hàng an toàn và đáng tin cậy nhất thế giới.

7. San Marino

San Marino, quốc gia nhỏ nhất châu Âu với dân số chỉ khoảng 34.000 người, nằm trong nhóm những quốc gia giàu có nhất thế giới. Một phần nhờ vào mức thuế thu nhập rất thấp, chỉ bằng một phần ba mức trung bình của Liên minh châu Âu. Dù vậy, San Marino vẫn đang nỗ lực để điều chỉnh các quy định tài chính và thuế của mình sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của EU và quốc tế.

Dù là một quốc gia nhỏ bé, San Marino đã thể hiện sức mạnh vượt trội trong việc duy trì nền kinh tế vững mạnh ngay cả trong đại dịch và cuộc khủng hoảng năng lượng. Ngành du lịch và sản xuất của quốc gia này đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua.

8. Mỹ

Lần đầu tiên Mỹ vào lọt vào top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới là vào năm 2020, sau khi vượt qua được ngưỡng xếp hạng thứ mười trong suốt hai thập kỷ trước đó.

Sự tăng trưởng của Mỹ phần lớn nhờ vào các biện pháp kinh tế trong đại dịch, giúp tăng thu nhập và chi tiêu, cùng với sự suy giảm của ngành năng lượng đã đẩy các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Qatar, Na Uy và UAE xuống thấp hơn.

Bên cạnh đó, Mỹ đã duy trì được đà phát triển và nền kinh tế hiện đang bùng nổ. Tổ chức IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 sẽ đạt 2,7%, trở thành động lực chính cho toàn cầu.

9. Na Uy

Na Uy sở hữu một trong những nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, đặc biệt là ngoài khơi bờ biển Bắc Đại Tây Dương. Nguồn thu từ ngành công nghiệp này đã đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước.

Chính phủ Na Uy đã sử dụng khoản thu từ dầu mỏ một cách thông minh, đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản toàn cầu thông qua quỹ tài sản quốc gia.

Quỹ tài sản quốc gia của Na Uy là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, nắm trong tay khối tài sản lên đến 1,4 nghìn tỷ USD.

10. Guyana

Guyana hiện được xem là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của ngành dầu mỏ. Năm 2015, công ty ExxonMobil phát hiện các mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi bờ biển Guyana, có trữ lượng ước tính lên đến 11 tỷ thùng, và kể từ đó, đất nước này đã thu hút một làn sóng đầu tư quốc tế lớn vào lĩnh vực khai thác dầu.

Lợi nhuận từ ngành dầu mỏ đã đem lại cho chính phủ nguồn thu lớn, cho phép Guyana đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác, từ đó cải thiện đáng kể mức sống cho người dân.

Xem thêm

10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2024

10 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2024

Các quốc gia nghèo nhất thế giới từ lâu đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do xung đột, thiên tai và tình trạng kinh tế suy thoái. Dù sở hữu tài nguyên phong phú, nhưng nhiều nơi vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói và hàng triệu người dân phải sống dưới mức tối thiểu…

Giới nhà giàu Mỹ lập kế hoạch di cư sau bầu cử

Giới nhà giàu Mỹ lập kế hoạch di cư sau bầu cử

Theo báo cáo từ CNBC, nhu cầu sở hữu hộ chiếu thứ hai hoặc chọn nơi cư trú dài hạn ở nước ngoài của các cá nhân giàu có tại Mỹ đang tăng mạnh trong bối cảnh nhiều người tìm kiếm giải pháp để bảo vệ và đa dạng hóa tài sản…

"Giới siêu giàu" đang được định nghĩa lại?

Định nghĩa "Giới siêu giàu" đã thay đổi

Với sự gia tăng nhanh chóng của các tỷ phú đã khiến người ta bắt đầu phải tìm kiếm một định nghĩa mới - phù hợp hơn để miêu tả chính xác thế nào là "Giới siêu giàu".

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

Chuẩn bị quay lại Nhà trắng lần thứ 2, ông Trump vẫn giữ những quan điểm cứng rắn: Tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trục xuất di dân... Nhưng ở một số lĩnh vực, Trump 2.0 có thể sẽ rất khác so với Trump 1.0.